Kế hoạch 5204/KH-UBND về khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 và các năm tiếp theo do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 5204/KH-UBND
Ngày ban hành 14/07/2022
Ngày có hiệu lực 14/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Trần Văn Hiệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5204/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 14 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ NÂNG CAO SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC NĂM 2022 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO

Thực hiện các Quyết định của Bộ Nội vụ số 362/QĐ-BNV ngày 06/5/2022 về việc phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính (sau đây viết tắt là CCHC) năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và số 352/QĐ-BNV ngày 29/4/2022 về việc phê duyệt và công bChỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021.

Năm 2021, Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh đạt 86,75/100 điểm, tăng 2,82 điểm so với năm 2020 (đạt 83,93/100 điểm) và xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 03 hạng so với năm 2020. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh năm 2021 đạt 87,68%, tăng 1,62% so với năm 2020 (đạt 86,06%) và xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố (tăng 03 hạng).

Đkhắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

b) Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chỉ số CCHC năm 2021; xác định nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện các Chỉ số thành phần, góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

c) Phấn đấu cải thiện, nâng vị trí xếp hạng Chỉ số CCHC của tỉnh năm 2022 cao hơn năm 2021.

d) Nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

a) Việc thực hiện kế hoạch nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh phải gắn với thực hiện có hiệu quả Kế hoạch CCHC năm 2022 trên địa bàn và cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (sau đây viết tắt là Chỉ số PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (sau đây viết tắt là Chỉ số PAPI).

b) Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là CBCCVC) không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công tác CCHC nói chung và nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh nói riêng.

c) Tổ chức triển khai có hiệu quả việc cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành; trong đó, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các lĩnh vực liên quan đến công tác CCHC, các tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số CCHC hàng năm giữ vai trò quan trọng trong việc tham mưu, tổ chức, triển khai và thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính:

a) Bám sát Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện, hoàn thành 100% nhiệm vụ kế hoạch CCHC năm 2022, kế hoạch tuyên truyền CCHC năm 2022 của tỉnh đạt chất lượng và hiệu quả; đổi mới công tác tuyên truyền CCHC bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC, của người dân và tổ chức; tổ chức thực hiện tốt công tác khảo sát, điều tra nhằm đánh giá, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh.

b) Hoàn thành 100% nhiệm vụ trong kế hoạch kiểm tra CCHC năm 2022 theo quy định; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các cơ quan nhà nước các cấp; xử lý kịp thời các vấn đề phát hiện qua kiểm tra.

c) Các sở, ban, ngành (đặc biệt là các sở chủ trì các lĩnh vực CCHC); UBND cấp huyện, đội ngũ CBCCVC chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến về công tác CCHC trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.

d) Tổ chức thực hiện hoàn thành 100% các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh giao trong năm đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật:

a) Đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật (sau đây viết tắt là QPPL) được ban hành đúng quy định; không còn tình trạng văn bản QPPL chứa thủ tục hành chính (sau đây viết tắt là TTHC) hoặc văn bản hành chính thông thường chứa QPPL; đảm bảo mức độ phù hợp, tính khả thi, tính hiệu quả...

b) Rà soát, hướng dẫn các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL thuộc ngành và lĩnh vực được giao; đồng thời, xây dựng và thực hiện hoàn thành 100% nhiệm vụ trong kế hoạch kiểm tra; xử lý 100% các vấn đề phát hiện qua kiểm tra.

3. Cải cách thủ tục hành chính:

a) Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp; thực hiện nghiêm túc nội dung các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015; số 30/CT-TTg ngày 30/10/2018 và số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.

b) Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh việc giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; phấn đấu không để người dân, tổ chức phải đi lại quá 02 lần để giải quyết TTHC; khắc phục tình trạng hồ sơ quá hạn, phấn đấu 100% hồ sơ TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đúng và trước hạn; 100% hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn của các cơ quan, đơn vị phải có văn bản xin li người dân, tổ chức.

c) Kiểm soát chặt chẽ các nội dung: công bố, công khai TTHC trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cng dịch vụ công của tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của các cơ quan địa phương; niêm yết, công khai đầy đủ bộ TTHC tại bộ phận một cửa các cấp; xây dựng, công bố quy trình nội bộ giải quyết TTHC.

[...]