Kế hoạch 52/KH-UBND truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang năm 2023

Số hiệu 52/KH-UBND
Ngày ban hành 10/03/2023
Ngày có hiệu lực 10/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Mai Sơn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 10 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH BẮC GIANG NĂM 2023

Thực hiện Quyết định số 650/QĐ-LĐTBXH ngày 21/7/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt Kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 4186/KH-UBND ngày 27/8/2022 của UBND tỉnh truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang năm 2023 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Truyền thông, tuyên truyền kịp thời những quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang năm 2023 (sau đây gọi tắt là Chương trình giảm nghèo), nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, góp phần huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo bền vững;

- Truyền thông cho các đối tượng thụ hưởng của Chương trình giảm nghèo và toàn xã hội về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy khát vọng, tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

2. Yêu cầu

- Công tác truyền thông phải làm cho mọi người, mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội thấy được công tác giảm nghèo bền vững vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mang tính nhân văn sâu sắc của dân tộc.

- Nội dung truyền thông về công tác giảm nghèo phải đảm bảo tính chính xác, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; phát huy được sự sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

- Truyền thông về công tác giảm nghèo phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, từng ngành, nắm vững, hiểu rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội dung của Chương trình giảm nghèo để mọi người dân biết, hưởng ứng và thực hiện đúng, kịp thời, hiệu quả.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng truyền thông

Người dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội. Trong đó, chú trọng truyền thông cho nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình giảm nghèo như người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người khuyết tật có khó khăn về kinh tế, người dân sinh sống trên các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp…

2. Phạm vi và thời gian thực hiện

- Phạm vi thực hiện: Trên phạm vi toàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023.

III. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, GIẢI PHÁP

1. Nội dung

1.1. Tập trung tuyên truyền nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh năm 2023; chiến lược giảm nghèo chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đầu tư vào con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực phát triển của người dân, nhất là người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số; đổi mới dạy nghề, tạo việc làm, sinh kế, giảm nghèo bền vững và khuyến khích làm giàu chính đáng.

1.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Làm cho mọi người nắm vững và hiểu đúng về các chính sách giảm nghèo, quy trình, cách thực thực hiện và tham gia các dự án, tiểu dự án cụ thể để phát huy hiệu quả cao nhất có thể.

1.3. Đổi mới, thúc đẩy hiệu quả, chất lượng thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bền vững của địa phương nghèo và người nghèo.

1.4. Truyền thông về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phê phán những hạn chế, tiêu cực, những hành vi trục lợi, kìm hãm sự phát triển trong thực hiện các hoạt động, dự án, chính sách về giảm nghèo.

2. Hình thức

2.1. Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp tỉnh tới cơ sở nhằm thông tin, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các hoạt động, dự án, chính sách về giảm nghèo; chú trọng truyền thông qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở.

2.2. Tổ chức cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo của phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

2.3. Tổ chức sơ kết và khen thưởng tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

2.4. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông lĩnh vực giảm nghèo đối với đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo.

[...]