Kế hoạch 511/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 511/KH-UBND
Ngày ban hành 15/08/2018
Ngày có hiệu lực 15/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 511/KH-UBND

An Giang, ngày 15 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 76/NQ-CP NGÀY 18/6/2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

I. ĐÁNH GIÁ VÀ NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH:

Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của đất nước.

Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là việc ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất bờ sông, bờ kênh, dông lốc, sét,… gây thiệt hại rất lớn về tài sản, cơ sở hạ tầng, làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và những nỗ lực của các ngành, các cấp, nên năng lực phòng chống thiên tai ở địa phương đã từng bước được nâng lên; công tác dự báo, cảnh báo về thiên tai được thực hiện bước đầu; hệ thống cơ sở hạ tầng và công trình phòng chống thiên tai tiếp tục được đầu tư nâng cấp; việc ứng dụng công nghệ mới trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từng bước được triển khai áp dụng. Qua đó, đã góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức, cải thiện khả năng chống chịu và ứng phó của chính quyền và nhân dân.

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế: chính quyền, người dân ở một số nơi còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức, thiếu chủ động trong công tác ứng phó; công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và diễn biến của thiên tai; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và có khả năng chống chịu thấp với thiên tai; lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai thiếu cả về số lượng và chất lượng, phần lớn là kiêm nhiệm, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực ứng phó còn nhiều hạn chế; thiếu nguồn lực cho phòng chống thiên tai.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo. Bên cạnh đó, những hoạt động khai thác tài nguyên ở thượng nguồn sông Mê Kông sẽ làm gia tăng rủi ro thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt,...) ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Ngoài ra, khí hậu, thời tiết, mưa bão, lũ lụt, dông lốc, sét sẽ diễn biến bất thường hơn, cực đoan hơn; tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch xảy ra thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn,…gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, để chủ động ứng phó trong thời gian tới cần phải có định hướng, kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội để phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với thiên tai.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ:

- Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19/6/2013;

- Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

- Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

- Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

III. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ MỤC TIÊU:

1. Quan điểm:

- Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội.

- Phòng, chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo lưu vực, liên vùng, liên ngành; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ các tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai.

- Phòng,chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới.

- Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình theo hướng đa mục tiêu; khôi phục, xây dựng sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống.

- Khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

- Bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế về phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai mà nước ta tham gia.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

- Giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai (lũ, sạt lở đất, sét) có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020.

- 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai.

- 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn.

[...]