Kế hoạch 3407/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 3407/KH-UBND
Ngày ban hành 14/08/2018
Ngày có hiệu lực 14/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Phạm Văn Nam
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3407/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 14 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 76/NQ-CP NGÀY 18 THÁNG 6 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và Công văn số 95/TWPCTT ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thấp nhất tổn thất về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.

- Tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

- Đảm bảo an toàn công trình, môi trường sinh thái, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% chính quyền các cấp địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai. Các hộ dân thuộc khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai được di dời đến nơi ở an toàn.

- 100% cán bộ, lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được tập huấn, đào tạo, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai; đặc biệt, là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai.

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động trong dự báo, cảnh báo thiên tai cho các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khu dân cư tập trung, trọng điểm về kinh tế xã hội.

- Nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai, nhất là các hồ chứa nước, đê, kè, khu neo đậu trú tránh bão, đảm bảo an toàn trước thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu.

- Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

- Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, của toàn xã hội và của toàn dân.

- Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ổn định và bền vững của tỉnh. Lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, xây dựng nông thôn mới.

- Phòng, chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo lưu vực, vùng, địa bàn, liên ngành. Xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ các tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai.

- Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu; khôi phục và tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và xây dựng lại tốt hơn. Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến kết hợp với kế thừa kinh nghiệm truyền thống.

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhóm giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2018-2020

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với thực tế; có chế tài để thực thi hiệu quả trong phòng, chống thiên tai, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

- Kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp; ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ để nâng tầm hoạt động chỉ đạo, tăng cường trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên nghiệp, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ.

- Phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai phù hợp với đặc thù của địa phương; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các chương trình hoạt động của các cấp, đoàn thể tại địa phương.

- Xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở, trước mắt là tại cấp xã với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.

- Đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, giám sát vận hành hồ chứa và đảm bảo thông tin đến người dân vùng hạ du công trình.

[...]