Kế hoạch 50/KH-UBND năm 2024 triển khai Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 50/KH-UBND
Ngày ban hành 08/03/2024
Ngày có hiệu lực 08/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Nguyễn Quang Hưng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/KH-UBND

Thái Bình, ngày 08 tháng 03 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2035, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch đô thị năm 2018;

Căn cứ Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/08/2019 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt về quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ Xây dựng về Quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Văn bản số 11/TTr-SXD ngày 04/3/2023; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Cụ thể hóa định hướng của đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt (quy hoạch chung) trên cơ sở xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành theo từng lĩnh vực quản lý để triển khai chỉ đạo, điều hành thực hiện đúng mục tiêu, tầm nhìn và định hướng phát triển theo quy hoạch được duyệt.

- Xác định danh mục triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; các đề án, dự án đầu tư xây dựng và các nguồn lực thực hiện đảm bảo khả thi, kịp thời theo đúng tiến độ và trình tự ưu tiên.

2. Yêu cầu:

- Các quy hoạch cần được tiến hành rà soát, lập mới đảm bảo tuân thủ định hướng quy hoạch chung, đáp ứng tiến độ, chất lượng.

- Kế hoạch thực hiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp thực tiễn đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển. Làm cơ sở lựa chọn đầu tư có trọng tâm, tránh dàn trải; tập trung cho các dự án hạ tầng khung, trọng điểm, tạo động lực phát triển cho Thành phố và Tỉnh; góp phần tạo sự đột phá, chuyển biến trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và kêu gọi đầu tư trên địa bàn.

- Việc triển khai lập, điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu, các đồ án quy hoạch chi tiết phải đảm bảo đồng bộ về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật,... phù hợp với kiến trúc cảnh quan chung của thành phố.

- Kiểm tra, giám sát có hiệu quả đối với các đồ án quy hoạch trong quản lý quy hoạch xây dựng và triển khai thực hiện xây dựng.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Phạm vi và thời gian thực hiện: Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố Thái Bình theo phạm vi nghiên cứu, lập quy hoạch chung với thời gian đến năm 2035; đảm bảo định hướng phát triển theo tầm nhìn đến năm 2050.

2. Định hướng phát triển:

2.1. Định hướng phát triển không gian:

- Định hướng phát triển thành phố theo 2 cực, với việc lấy sông Trà Lý làm trục cảnh quan trung tâm, tạo động lực phát triển lan tỏa ra các khu vực xung quanh để từng bước mở rộng không gian đô thị:

+ Cực phát triển số 1: Phía Nam sông Trà Lý (Tại khu vực lõi đô thị gồm 09 phường nội thành), trong đó chú trọng phát triển khu vực ven sông Trà Lý; định hướng cải tạo chỉnh trang dân cư; cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết hợp đầu tư xây dựng các tiện ích đô thị, công trình hạ tầng xã hội (bổ sung công viên, vườn hoa, cây xanh, bãi đỗ xe, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí,...) nhằm phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân.

+ Cực phát triển số 2: Tại phía Bắc sông Trà Lý (trung tâm là phường Hoàng Diệu) được định hướng quy hoạch là khu trung tâm hành chính, thể thao, văn hóa cấp Tỉnh, Quảng trường Thái Bình, các công viên cây xanh, hồ nước, kết hợp nhà ở có mật độ thấp, nhằm khai thác tối đa các điều kiện tự nhiên.

- Phát triển mở rộng không gian đô thị:

+ Di dời các cụm công nghiệp, nhà máy xử lý rác thải, bến bãi vật liệu xây dựng, công trình, nhà ở tại bãi sông, cải tạo bãi sông... để triển khai thực hiện dự án phát triển đô thị ven sông Trà Lý, tạo không gian đô thị mở, khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế cảnh quan ven sông, tạo động lực phát triển.

+ Phân kỳ, đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển nhà ở đồng bộ về hạ tầng và các tiện ích đô thị, góp phần mở rộng không gian đô thị thành phố.

2.2. Định hướng phát triển cảnh quan thiên nhiên:

[...]