Kế hoạch 50/KH-UBND năm 2021 thực hiện Quyết định 2215/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 50/KH-UBND
Ngày ban hành 05/04/2021
Ngày có hiệu lực 05/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 05 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2215/QĐ-TTG NGÀY 24/12/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 76-KL/TW NGÀY 04/6/2020 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA XII) VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW NGÀY 09/6/2014 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XI VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC

Thực hiện Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Quyết định số 2215/QĐ-TTg), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch số 2215/QĐ-TTg. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết 33- NQ/TW), Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII (Kết luận số 76-KL/TW) và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững (Nghị quyết số 10-NQ/TU) góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

2. Yêu cầu

Việc thực hiện Kế hoạch này phải được tiến hành đồng bộ, hiệu quả, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan đơn vị; gắn với đẩy mạnh thực hiện các Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 28/7/2014 của Tỉnh ủy Ninh Bình về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Nghị quyết số 10- NQ/TU; Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 28/12/2020 Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ, công chức về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, về trách nhiệm trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ xây dựng phát triển văn hóa, con người

- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76- KL/TW, Nghị quyết số 10-NQ/TU.

- Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, các quy định của nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về văn hóa của người dân, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

- Tuyên truyền, biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình tiên tiến; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các giá trị di sản văn hóa Ninh Bình với bạn bè trong nước và quốc tế.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số, tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa

- Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa con người.

- Tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa; các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án về xây dựng, phát triển văn hóa, con người của trung ương, của tỉnh đã ban hành.

- Cân đối, bố trí các nguồn lực của nhà nước cho phát triển văn hóa, đảm bảo tương xứng với tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa.

- Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý văn hóa, tổ chức sự nghiệp văn hóa, thể thao các cấp, đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

- Tăng cường công tác quản lý hoạt động thông tin, báo chí trên địa bàn, quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực văn hóa, thông tin.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, cộng đồng dân cư và công dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa.

3. Tập trung xây dựng con người Ninh Bình phát triển toàn diện, mang đậm đặc trưng vùng đất Cố đô Hoa Lư: thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách

- Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri số 30-TT/TU ngày 19/5/2005 của Tỉnh ủy Ninh Bình về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

- Khơi dậy và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa", "tương thân tương ái".

- Tập trung thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; xây dựng, củng cố ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức trách nhiệm mỗi thành viên trong gia đình đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, xã hội.

- Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục nghệ thuật, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường.

- Phát triển sâu rộng phong trào hoạt động thể dục thể thao, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ); gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuyên truyền, vận động mỗi người dân tự chọn ít nhất 01 môn thể thao để luyện tập; xây dựng gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; các thôn, tổ dân phố có các câu lạc bộ thể dục, thể thao hoạt động thường xuyên.

4. Đẩy mạnh xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh

- Tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động các phong trào, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Thực hiện việc công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đảm bảo đúng tiêu chuẩn, khắc phục bệnh thành tích, hình thức.

[...]