Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 50/KH-UBND năm 2016 triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2017, định hướng đến năm 2020

Số hiệu 50/KH-UBND
Ngày ban hành 30/05/2016
Ngày có hiệu lực 30/05/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Phạm Đình Nghị
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/KH-UBND

Nam Định, ngày 30 tháng 5 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2016/NQ-CP NGÀY 28/4/2016 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2016-2017, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014; Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 27/5/2014 về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2015. Sau hai năm thực hiện với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã từng bước được cải thiện tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, thể hiện qua một số kết quả cụ thể như sau:

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh giai đoạn 2013-2015 đã không ngừng được cải thiện về thứ hạng và điểm số, cụ thể: Năm 2013 đạt 56,31 điểm, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố; năm 2014 đạt 58,52 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố; năm 2015 đạt 59,62 điểm, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố. Nhiều chỉ số thành phần duy trì đã tăng điểm như chỉ số: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, ...

Thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực qua từng năm: Năm 2014 cấp chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 35 dự án (25 dự án đầu tư trong nước và 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký là 1.006,6 tỷ đồng và 138,1 triệu USD; Năm 2015 cấp chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 60 dự án (45 dự án đầu tư trong nước và 15 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký là 9.525,8 tỷ đồng và 192,25 triệu USD, đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Số doanh nghiệp mới được đăng ký thành lập không ngừng tăng cả về số lượng và số vốn đăng ký: Năm 2014 có 514 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 2.001 tỷ đồng, tăng 14,7% về số lượng doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với năm 2013; Năm 2015 có 533 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 3.421 tỷ đồng, tăng 3,7% về số lượng doanh nghiệp và tăng 71% về số vốn đăng ký so với năm 2014; đưa tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2015 là 5.936 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 37/KH-UBND của UBND tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; thu hút đầu tư chưa có tính liên kết vùng, khu vực; chưa có nhiều các dự án quy mô lớn, công nghệ cao mang tính động lực để phát triển kinh tế; công tác quy hoạch (quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng...) phục vụ cho thu hút đầu tư chưa được thực hiện tốt còn chồng chéo và không rõ ràng; công tác cải cách hành chính vẫn còn bất cập, nhất là việc xây dựng các hồ sơ, tài liệu, biểu mẫu, quy trình thực hiện thủ tục hành chính còn chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp còn trùng lắp.

Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp còn khó khăn; việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư, doanh nghiệp còn hạn chế.

Một số cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Quán triệt, triển khai tới các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị trong toàn tỉnh về nội dung Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng nền công vụ hiện đại nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý và giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch và gắn trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan hành chính nhà nước.

Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thường xuyên nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và tiến tới nằm trong các tỉnh có PCI xếp loại tốt.

III. NHỮNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ chung

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai tốt các nội dung sau:

(1) Quán triệt và triển khai ngay các nội dung của Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ; Kế hoạch của UBND tỉnh và các văn bản có liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

(2) Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch; thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh và công khai các quy hoạch của tỉnh, địa phương và của ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực,...) nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin và các cơ hội đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

(3) Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch. Nâng cao hiệu quả phối hợp của các cấp, các ngành trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo thực hiện thông suốt, hiệu quả và rút ngắn thời gian thực hiện. Tiếp tục rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính không có trong quy định gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố để đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với các dịch vụ công. Công bố công khai kết quả cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, là tiêu chí bình xét thi đua hàng năm.

(4) Phối hợp với Sở Tư pháp thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh và các cơ quan liên quan bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung các văn bản không còn phù hợp với các quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chủ động rà soát, chỉnh sửa hoặc bổ sung, cập nhật các thủ tục hành chính đảm bảo phù hợp với các quy định mới ban hành, chuẩn hóa và công khai theo quy định.

(5) Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng của tỉnh; hoàn thiện đầu tư xây dựng khu công nghiệp Mỹ Trung, khu công nghiệp dệt may Rạng Đông. Nghiên cứu từng bước xây dựng mới các khu công nghiệp: Mỹ Thuận, Hồng Tiến trong thời gian tới.

(6) Ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và của tỉnh. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn trong đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp.

(7) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước. Từng bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến và xây dựng chính quyền điện tử. Nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các Trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố. Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá, phản ánh về chính sách, thủ tục hành chính và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Người đứng đầu sở, ngành, địa phương có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về giải trình và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

[...]