Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Kế hoạch 495/KH-UBND thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang năm 2022

Số hiệu 495/KH-UBND
Ngày ban hành 09/02/2022
Ngày có hiệu lực 09/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ô Pích
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 495/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 09 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM” TỈNH BẮC GIANG NĂM 2022

Căn cứ Quyết định số 975/QĐ-UBND ngày 29/6/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2022, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tích cực tham gia Chương trình OCOP. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP.

- Tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; phát triển một số sản phẩm thế mạnh hướng tới thị trường xuất khẩu.

- Hình thành mạng lưới các doanh nghiệp, chủ thể kinh tế làm động lực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ trên cơ sở phát huy lợi thế theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

- Duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận; nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia Chương trình OCOP; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

2. Yêu cầu

- Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn xác định OCOP là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Gắn chỉ tiêu phát triển sản phẩm OCOP với chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội địa phương.

- UBND các huyện, thành phố lồng ghép các chương trình, dự án ưu tiên hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP

- Tuyên truyền thông qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cấp xã, thôn; trang Web của Chương trình OCOP, dưới dạng bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn với hình ảnh, khẩu hiệu cụ thể; lồng ghép tại các hội nghị, hội thảo các cấp,...

- Thông tin, tuyên truyền về nội dung Chương trình, chu trình OCOP, bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, những thành tựu và kết quả đạt được; gương điển hình tiên tiến và mô hình sản xuất tiêu biểu. Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và những bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai Chương trình OCOP tại các địa phương.

- Trách nhiệm: Cơ quan thường trực Chương trình OCOP tỉnh, huyện; các cơ quan truyền thông của tỉnh, huyện, xã,…

- Thời gian thực hiện: Liên tục trong năm.

2. Tập huấn nâng cao năng lực và nhận thức về Chương trình OCOP

- Tập huấn nâng cao năng lực và nhận thức về Chương trình OCOP cho cán bộ quản lý, phụ trách ở các cấp; các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Tập huấn, hướng dẫn cách thức triển khai và vận hành Chương trình OCOP; tư vấn, hỗ trợ các chủ thể kinh tế OCOP; xây dựng, vận dụng chính sách áp dụng đối với OCOP; bộ tiêu chí OCOP; công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, học tập, trao đổi kinh nghiệm,...

- Trách nhiệm: Cơ quan thường trực Chương trình OCOP cấp tỉnh, huyện.

3. Phát triển, củng cố các chủ thể kinh tế OCOP

- Khuyến khích thành lập mới nhiều HTX để tổ chức lại sản xuất, từ đó tạo ra được quy trình chuẩn, sản xuất hàng hóa, quy mô lớn và đảm bảo chất lượng. Đầu tư, củng cố cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

- Thời gian thực hiện: Liên tục trong năm.

- Trách nhiệm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố.

4. Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP phù hợp với lợi thế của từng địa phương

a. Đối với các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng:

- Tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm. Tập trung tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến, tăng cường giám sát; có hệ truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch; tăng quy mô sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ.

[...]