Kế hoạch hành động 4906/KH-UBND năm 2015 thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP năm 2014 về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 4906/KH-UBND
Ngày ban hành 19/08/2015
Ngày có hiệu lực 19/08/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thị Hồng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4906/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 8 năm 2015

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 92/NQ-CP NGÀY 8/12/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRONG THỜI KỲ MỚI

Căn cứ Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;

Căn cứ Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;

Căn cứ đề nghị của Sở Du lịch tại Công văn số 852/SDL-KHNCPT ngày 10 tháng 6 năm 2015 về xem xét ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;

Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới như sau:

I. MỤC TIÊU

- Triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết 92/NQ-CP, Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ để đẩy mạnh phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 -2020 và những năm tiếp theo, tạo bước chuyển cho du lịch Thành phố và các vùng lân cận cũng như du lịch Việt Nam.

- Phát huy sức mạnh nội lực, khai thác các tiềm năng về du lịch; phát triển ngành du lịch Thành phố thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Thành phố Hồ Chí Minh thực sự trở thành trung tâm du lịch của cả nước; phát triển du lịch đồng thời với việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn Thành phố; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

- Huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các quận huyện, các ngành, các thành phần kinh tế và toàn xã hội trong phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

1. Nhóm giải pháp về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chiến lược phát triển do lịch của Chính phủ

- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội về du lịch, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; xây dựng thái độ cởi mở, thân thiện, chân thành đối với khách du lịch. Tổ chức tuyên truyền đến từng người dân, hộ dân trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo vệ và tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh.

- Phổ biến những nội dung của Luật Du lịch nói chung và những nội dung quy định về quy hoạch phát triển du lịch, tài nguyên du lịch của Luật Du lịch nói riêng cho các cấp các ngành, quần chúng nhân dân trên địa bàn Thành phố.

- Tăng cường các hình thức phổ biến chính sách liên quan đến du lịch, cơ chế chính sách về đầu tư trên lĩnh vực du lịch, quy hoạch du lịch của Thành phố để thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên lĩnh vực du lịch.

- Tập trung cho công tác giáo dục nhận thức và xây dựng văn hóa giao tiếp, văn hóa kinh doanh...của các tầng lớp nhân dân và các cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến du lịch (trong đó chú trọng đến tiểu thương ở các chợ, nhân viên trung tâm thương mại, nhân viên kinh doanh của các cửa hàng ở các khu vực trọng điểm về du lịch) nhằm xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách.

2. Nhóm giải pháp về công tác quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo an ninh du Lịch

- Ban hành và triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”.

- Nâng cao nhận thức, kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các quận huyện, sở ngành của thành phố về phát triển du lịch văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công tác quản lý nhà nước về du lịch cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp quận, huyện.

- Phân cấp hợp lý và phát huy vai trò, trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn (Ủy ban Nhân dân quận, huyện) về quản lý cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, lữ hành.

- Xây dựng cơ chế và quy chế phối hợp giữa Sở Du lịch và các đơn vị có liên quan (Công an Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - kiến trúc...), giữa các thành viên Ban chỉ đạo phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch công bằng, lành mạnh tại Thành phố.

- Hoàn thiện bộ máy và bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp làm công tác phát triển du lịch (trụ sở, trang thiết bị, cơ sở vật chất...)

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng bảo vệ du khách, bảo vệ dân phố, dân phòng trên các địa bàn trọng điểm du lịch. Tăng cường các biện pháp khuyến cáo du khách về an ninh. Thành lập các đội tình nguyện hỗ trợ du khách.

3. Nhóm giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

3.1. Hạ tầng thông tin phục vụ du lịch

- Xây dựng website thông tin - thương mại du lịch chính thức của Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Du lịch Thành phố làm cơ quan chủ quản. Vận hành tổng đài thông tin du lịch 1087.

- Hình thành Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch, xây dựng hệ thống Trung tâm; các trạm thông tin đa năng cung cấp thông tin về du lịch, về hệ thống giao thông công cộng, thông tin du lịch trên các tuyến đường, các khu vực trọng điểm du lịch, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí; các trạm tàu điện ngầm.

[...]