Kế hoạch 485/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 485/KH-UBND
Ngày ban hành 02/04/2021
Ngày có hiệu lực 02/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 485/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 02 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT PHỤC VỤ VÙNG SÂU, VÙNG XA, BIÊN GIỚI, VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2021-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 4452/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030”, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các hoạt động của Chương trình văn hóa, nghệ thuật.

- Xây dựng, tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm nâng cao mức hưởng thụ và đời sống văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số nhằm góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Từng bước xây dựng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trở thành các điểm sáng về văn hóa, là địa chỉ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc bản địa, là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

2. Yêu cầu

- Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cần được tổ chức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa phương; đảm bảo thiết thực, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

- Gắn việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ với kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện với quyết tâm và hiệu quả cao nhất.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng, tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ các loại hình và sản phẩm văn hóa, nghệ thuật cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; nâng cao mức hưởng thụ và đời sống văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa đồng bào các dân tộc vùng biên giới; phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Kêu gọi và có cơ chế khuyến khích các ngành, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2021-2025

- Tổ chức hiệu quả các hoạt động Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Mỗi thôn, bản thành lập 01 - 02 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoạt động hiệu quả; hàng năm duy trì tổ chức liên hoan, giao lưu giữa các câu lạc bộ từ 01 - 02 lần.

- Tổ chức các cuộc thi, liên hoan, vận động sáng tác văn học, thơ, ảnh, mỹ thuật, ca khúc; chuyên mục phát thanh, phóng sự truyền hình, tác phẩm báo chí về đề tài dân tộc thiểu số.

- Tăng cường phát triển văn hóa đọc, trang bị thêm sách, báo cho các thư viện huyện, xã, phấn đấu chỉ tiêu 03 bản sách/người.

2.2. Giai đoạn 2025-2030

- Nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức, nội dung các Chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vụng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.

- Tiếp tục nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nhân rộng các mô hình câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật ở các thôn, bản, khu dân cư vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số một cách hiệu quả. Hàng năm duy trì tổ chức liên hoan, giao lưu các câu lạc bộ, đội văn nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

II. NỘI DUNG

1. Xây dựng mô hình điểm câu lạc bộ

Khảo sát, điều tra thống kê về thực trạng hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng mỗi thôn, bản 01 - 02 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Liên kết 02-03 thôn, bản thành lập 01 mô hình điểm câu lạc bộ hoạt động thường xuyên và hiệu quả trong năm (vào các dịp lễ, kỷ niệm của quê hương, đất nước).

[...]