Kế hoạch 65/KH-UBND năm 2021 triển khai Đề án "Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 65/KH-UBND
Ngày ban hành 24/03/2021
Ngày có hiệu lực 24/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Thị Hạnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 24 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT PHỤC VỤ VÙNG SÂU, VÙNG XA, BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO, VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2021 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Quyết định số 4452/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030”, theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ trình số 104/TTr-SVHTT ngày 01/3/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua các hoạt động của Chương trình văn hóa, nghệ thuật;

- Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

- Xây dựng, tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm nâng cao mức hưởng thụ và đời sống văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết hữu nghị giữa đồng bào các dân tộc vùng biên giới; phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

2. Yêu cầu:

- Đổi mới phương thức tổ chc hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện mỗi địa phương.

- Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng, phong phú, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; có sự thống nhất đồng bộ trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng

Tổ chức khảo sát, điều tra thống kê về thực trạng hưng thụ văn hóa, nghệ thuật các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số để đưa ra các giải pháp phù hợp cho người dân được tham gia, hưởng thụ, sáng tạo các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; Lựa chọn, tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện mỗi địa phương; Xây dựng mô hình điểm Câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật ở thôn, bản, làng và các khu dân cư vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số làm cơ sở nghiên cứu, nhân rộng. Thời gian khảo sát và đề xuất xây dựng các mô hình hoàn thành trong năm 2021.

2. Tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật (Biểu diễn nghệ thuật quần chúng và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp)

- Tổ chức đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên đi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Ưu tiên biểu diễn loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

- Tổ chức liên hoan các đội tuyên truyền văn hóa của Bộ đội Biên phòng trong toàn tỉnh. Tham gia liên hoan cấp toàn quốc được tổ chức định kỳ 04 năm/lần. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao điểm sáng văn hóa biên giới.

3. Tổ chức các ngày hội, giao lưu liên hoan, hội diễn văn hóa nghệ thuật

- Tham gia định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021-2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

- Tổ chức các ngày hội, lễ hội, liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, nghệ thuật quần chúng, chợ phiên đặc sắc của dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện.

- Tổ chức các hoạt động liên hoan, giao lưu, hội thi văn hóa nghệ thuật quần chúng cơ sở, đặc biệt là các thôn, bản. Định hướng sưu tầm, bảo tồn các bài hát, điệu múa truyền thống, nghi thức diễn xướng dân gian, các giá trị văn hóa, các dân tộc trên địa bàn để truyền dạy cho lớp trẻ. Tổ chức liên hoan các câu lạc bộ văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

4. Tổ chức hoạt động điện ảnh ở cơ sở

- Tổ chức chiếu phim lưu động đảm bảo từ 02 đến 04 buổi/xã/năm.

- Xây dựng chuyên mục văn hóa, nghệ thuật dân tộc thiểu số và tổ chức truyền thanh trên hạ tầng truyền thông của Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh.

5. Tổ chức các cuộc thi, sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số

- Tổ chức các cuộc thi, liên hoan, các cuộc vận động sáng tác văn học, kịch bản phim, kịch bản sân khấu, nhạc, thơ, ảnh, mỹ thuật, ca khúc, phát thanh, báo chí về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Lựa chọn các tác phẩm có chất lượng nội dung tốt để phổ biến, tuyên truyền trong cộng đồng.

- Tổ chức các chuyến đi thực tế cho văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số 01 lần/năm.

6. Tổ chức hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc

[...]