Kế hoạch 47/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 47/KH-UBND
Ngày ban hành 06/05/2016
Ngày có hiệu lực 06/05/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thành Thống
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 06 tháng 5 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ HỘI NHẬP QUỐC TẾ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quyết định phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,

Ủy ban nhân dân thành phố (UBND TP) ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Về hội nhập kinh tế quốc tế: Mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm thành phố, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các địa phương của các nước ASEAN-6 về mức độ hội nhập quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 đuổi kịp các địa phương của các nước ASEAN-6 và đến năm 2030 vươn lên nhóm đầu các nước ASEAN trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh.

- Về hội nhập chính trị, quốc phòng, an ninh: Củng cố và duy trì môi trường hòa bình, thuận lợi cho sự phát triển của thành phố, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu đến 2030 trở thành một trong những thành viên nòng cốt tại các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh khu vực.

- Về hội nhập văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và các lĩnh vực khác: Giới thiệu hình ảnh con người thành phố Cần Thơ đến bạn bè quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực quốc tế nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược về lao động, an sinh và xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, thúc đẩy công bằng xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

Quan điểm chỉ đạo chung là giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; quán triệt và vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn được tổng kết trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Quan điểm chỉ đạo cụ thể:

- Nhận thức rõ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng sự đồng thuận sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, từ đó tạo nên sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động để thực hiện thành công định hướng chiến lược này.

- Hội nhập quốc tế là sự nghiệp vì nhân dân, do nhân dân, của nhân dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Mọi cơ chế, chính sách phải phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả các tiềm năng của toàn xã hội; phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Hội nhập quốc tế cần được tiến hành trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng cạnh tranh của đất nước; gắn kết chặt chẽ với quá trình gia tăng mức độ liên kết giữa các vùng, miền, khu vực trong nước.

- Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải hài hòa, tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện với lộ trình cụ thể, đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể, phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước.

- Nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ chung và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi; củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

III. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HỘI NHẬP

1. Hội nhập kinh tế quốc tế:

- Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

- Cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích các hoạt động đầu tư tư nhân và các hoạt động hợp tác công – tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, quản lý chặt chẽ nợ công.

- Gia tăng mức độ liên kết giữa các quận, huyện, phát huy thế mạnh của từng địa phương, khuyến khích sự hợp tác quốc tế ở cấp độ quận, huyện.

- Thực hiện hiệu quả các cam kết kinh tế quốc tế, xây dựng và triển khai các chiến lược tham gia các khu vực thương mại tự do với các đối tác mà Việt Nam đã ký kết.

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư với đối tác nước ngoài.

- Hội nhập trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ phù hợp với yêu cầu và trình độ của thành phố, huy động nguồn lực tài chính và củng cố hệ thống tài chính – tiền tệ.

2. Hội nhập chính trị, quốc phòng, an ninh:

- Đẩy mạnh quan hệ với các đối tác có tầm quan trọng chiến lược với sự phát triển và an ninh của Việt Nam, tạo dựng và nâng cao độ tin cậy với các đối tác quốc tế, đặc biệt là các đối tác đã ký kết quan hệ hợp tác với thành phố, khai thác hiệu quả quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

- Nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương.

- Đẩy mạnh hợp tác song phương về quốc phòng, an ninh với các nước láng giềng có chung biên giới trên bộ, trên biển, các nước ASEAN.

[...]