Kế hoạch 4627/KH-UBND năm 2016 về công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2021 của tỉnh Quảng Trị

Số hiệu 4627/KH-UBND
Ngày ban hành 04/11/2016
Ngày có hiệu lực 04/11/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Hà Sỹ Đồng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4627/KH-UBND

Quảng Trị, ngày 04 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2021 CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ

Thực hiện Chương trình hành động số 28-CTr/BCSĐTNMT ngày 15/6/2016 của Ban cán sự đảng, Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quyết định số 2486/QĐ-UBND ngày 11/10/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động số 26-CTHĐ/TU ngày 15/6/2016 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI;

Nhằm thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội các cấp đã đề ra, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2021 của tỉnh với các nội dung sau đây:

1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

2. Yêu cầu

Thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính tổng thể, liên ngành, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng các mục tiêu lâu dài của ngành và của đất nước.

II. LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ

1. Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2020, có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, thân thiện với môi trường; về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm mức phát thải khí nhà kính.

2. Nhiệm vụ chung

- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch về tài nguyên và môi trường, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy ngành tài nguyên và môi trường đáp ứng nhu cầu thực tiễn, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hiệu quả.

- Kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, giảm thiểu các nguồn ô nhiễm.

- Nâng cao năng lực về điều tra, dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội; nâng cao năng lực, nhận thức công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

- Xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.

3. Nhiệm vụ và giải pháp của từng lĩnh vực

3.1. Lĩnh vực đất đai

a) Mục tiêu

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai theo hướng hiện đại nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

b) Nhiệm vụ và giải pháp

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất đai, khai thác, sử dụng tiết kiệm; tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, từng bước hiện đại hóa cung cấp dịch vụ công về đất đai theo hướng hiện đại.

- Kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định; đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và kịp thời trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; làm tốt công tác định giá đất; tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.

- Tập trung công tác tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác tốt quỹ đất; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn chỉnh theo hướng hiện đại; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách.

- Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, năng lực và triển khai vận hành đồng loạt cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện thí điểm cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư qua mạng thông tin điện tử đối với một số huyện, thị xã, thành phố.

- Tăng cường công tác điều tra cơ bản, đánh giá tài nguyên đất đảm bảo cung cấp đầy đủ dữ liệu về đất đai; tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, sớm hoàn thành phê duyệt và công bố, công khai điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020); thực hiện tốt, có chất lượng công tác kiểm kê và thống kê hàng năm theo quy định của Luật Đất đai.

[...]