Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển ven bờ tỉnh Phú Yên

Số hiệu 21/CT-UBND
Ngày ban hành 26/10/2016
Ngày có hiệu lực 26/10/2016
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Nguyễn Chí Hiến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/CT-UBND

Phú Yên, ngày 26 tháng 10 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÙNG BIỂN VEN BỜ TỈNH PHÚ YÊN

Phú Yên là tỉnh ven biển có tiềm năng, thế mạnh để phát triển các ngành dịch vụ du lịch, nuôi trồng và khai thác thủy sản, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, là nguồn thu nhập chính của phần lớn cộng đồng dân cư ven biển. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, bước đầu có nhiều kết quả quan trọng. Các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp và tổ chức sản xuất kinh doanh đã từng bước thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị mang lại, việc sử dụng, khai thác bất hợp lý tài nguyên ven biển đã và đang gây ra nhiều vấn đề lớn. Đó là vấn nạn khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ; nhiều hệ sinh thái biển quan trọng như san hô, cỏ biển… bị khai thác hoặc bị phá hủy do các hoạt động neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng khai thác thủy sản; tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tại các đầm, vịnh; chất thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động dân sinh, hoạt động du lịch…không được thu gom, xử lý kịp thời gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, mỹ quan vùng ven biển.

Nhằm tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển ven bờ, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương có liên quan:

a) Thu thập, cập nhật đầy đủ thông tin về các vấn đề liên quan đến tình hình biển, hải đảo và tài nguyên vùng bờ trên địa bàn tỉnh.

b) Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sớm xây dựng, hoàn thiện chương trình, kế hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch quản lý tài nguyên môi trường biển đã được phê duyệt.

c) Tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường biển, đánh giá sức chịu tải của các khu vực biển, các đầm vịnh ven biển; đánh giá mức độ nhạy cảm và chống chịu của biển, đảo đối với các tai biến tự nhiên, phát hiện các biểu hiện xung đột môi trường phục vụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển.

d) Kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ, đặc biệt là các khu đô thị, khu công nghiệp, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ…dọc theo bờ biển tỉnh, bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường biển.

e) Nghiên cứu, đánh giá chi tiết các hệ sinh thái biển, vùng bờ ven biển, khu vực cư trú, sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của các loài sinh vật biển thuộc danh mục được ưu tiên bảo vệ.

g) Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển. Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương có liên quan:

a) Kiểm tra, thống kê, rà soát quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên toàn địa bàn tỉnh; quản lý và hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được duyệt. Kiên quyết xử lý tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép và không phép.

b) Thực hiện đánh giá và xác định các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thoái nguồn lợi thủy sản, đặc biệt ở các vùng biển gần bờ. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về hoạt động khai thác thủy sản; thiết lập vùng cấm, mùa cấm khai thác hoặc hạn chế khai thác; thực thi các giải pháp tổng thể, cương quyết sớm ngăn chặn đà suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển, từng bước phục hồi và làm giàu nguồn lợi thủy sản vùng biển gần bờ.

c) Tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, bảo vệ môi trường phòng tránh gây ô nhiễm cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; đồng thời, có các giải pháp xử lý kịp thời khi phát hiện các hiện tượng bất thường trong nuôi trồng thủy sản.

d) Triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ, phục hồi, tái sinh tự nhiên rừng ngập mặn ven biển, phát triển rừng ở các khu vực trọng yếu, rừng chắn sóng, chắn cát ven biển để hình thành vành đai xanh vững chắc ven biển.

3. Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên:

a) Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp ven biển.

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp ven biển.

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.

b) Chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất ở vùng đất ven biển. Xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển.

c) Quản lý nghiêm hoạt động nuôi trồng thủy sản đúng theo quy hoạch được duyệt. Tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản hủy diệt, các hành động gây suy giảm nguồn lợi và tính đa dạng sinh học của biển.

d) Thực hiện có hiệu quả việc thu gom, xử lý rác thải bảo vệ môi trường tại địa phương. Đặc biệt lưu ý đến vấn đề môi trường tại các cảng, khu neo đậu tàu thuyền, các vùng nuôi trồng thủy sản, khu vực quanh các đầm vịnh, các bãi tắm ven biển… Kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) và các cơ quan chức năng khi phát hiện các hiện tượng bất thường về môi trường, sinh thái biển để có các giải pháp xử lý, khắc phục.

e) Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp ven biển.

g) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp ven biển.

5. Các tổ chức đoàn thể chính trị trên địa bàn tỉnh vận động đoàn viên, hội viên thường xuyên tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng biển ven bờ. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên biển có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường; khi phát hiện những hiện tượng bất thường kịp thời báo cho các cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý.

[...]