Kế hoạch 2179/KH-UBND triển khai công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2017

Số hiệu 2179/KH-UBND
Ngày ban hành 12/06/2017
Ngày có hiệu lực 12/06/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Phạm Văn Nam
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2179/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 12 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN NĂM 2017

Nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc về môi trường tại địa phương và thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong năm 2017, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đơn vị có liên quan triển khai kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh như sau:

I. Mục tiêu

Ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục cơ bản những vấn đề ô nhiễm môi trường, giải quyết các điểm nóng về môi trường, cải thiện chất lượng môi trường trên cơ sở phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, cộng đồng và người dân.

II. Nội dung thực hiện

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tăng cường kiểm tra, rà soát, đảm bảo 100% các dự án được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào hoạt động phải thực hiện xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các điểm nóng gây bức xúc trong nhân dân như: Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, đồng muối Thông Thuận, khu vực sông Giêng, sông Dinh; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường.

- Hoàn thành báo cáo hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường, báo cáo chuyên đề môi trường nước, không khí năm 2017.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013; thường xuyên rà soát, phát hiện, đi đôi với việc triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa phát sinh mới các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định tiêu chí về bảo vệ môi trường làm căn cứ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Lấy ý kiến các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình tham mưu, xem xét, phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thực hiện đầy đủ việc thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, đặc biệt là công nghệ của các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường; kiên quyết không tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy hoạch đã được phê duyệt ngay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dài hạn.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất, chất thải trong nông nghiệp; hướng dẫn người dân thực hiện thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong giết mổ và phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; trong đó, chú trọng công tác phối hợp kiểm tra ngăn chặn các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển rừng, buôn bán động vật hoang dã trái phép; bảo vệ nghiêm ngặt và triển khai các hoạt động bảo tồn, phát triển bền vững tại các Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, Núi Ông, Khu Bảo tồn biển Hòn Cau.

- Thực hiện tốt kế hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở địa bàn nông thôn.

4. Sở Tài chính

Trên cơ sở đề nghị của các ngành và khả năng cân đối ngân sách, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí trong kế hoạch ngân sách hàng năm để thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; tăng cường kinh phí đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

5. Sở Xây dựng

- Rà soát, kiểm tra việc tuân thủ quy hoạch xây dựng chi tiết đối với các dự án đầu tư lớn, có tác động xấu đến môi trường; rà soát định mức, chi phí cho bảo vệ môi trường trong tổng mức đầu tư của dự án xây dựng.

- Rà soát lại Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2095/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2013; kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.

- Không cấp phép xây dựng đối với các dự án chưa được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra việc tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng.

6. Sở Công thương

- Rà soát và tổ chức kiểm tra việc tuân thủ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các dự án công trình hầm mỏ, dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp, khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, xây dựng thông thường và sản xuất xi măng) và các công trình công nghiệp chuyên ngành do Sở Công thương chủ trì tham gia ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường.

[...]