Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 33/NQ-HĐND về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 46/KH-UBND
Ngày ban hành 11/02/2022
Ngày có hiệu lực 11/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Dương Đức Tuấn
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/KH-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33/NQ-HĐND NGÀY 10/12/2021 CỦA HĐND THÀNH PHỐ VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU NHẰM GIẢM THIỂU ÙN TẮC VÀ ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND Thành phố về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố). UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

- Huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý điều hành giao thông, xây dựng giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đồng bộ, thông minh, hiện đại, thuận lợi, trật tự, an toàn, chất lượng, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm (từ vành đai 4 trở vào); các khu đô thị; các trục đường hướng tâm; các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh; các khu vực đầu mối giao thông (các nhà ga, bến xe).

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố

- Phân công rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện đối với các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và và Nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố

II. CHỈ TIÊU

Hằng năm xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10%/năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương).

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và Nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông.

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; đưa việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của từng đơn vị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên tập trung chỉ đạo thực hiện.

- Phân công trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông để đánh giá năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân được phân công nhiệm vụ. Định kỳ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả công tác.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, các lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Chủ động nắm tình hình, phát hiện kịp thời, tham mưu, chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vấn đề về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố.

2. Xây dựng cơ chế chính sách và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải

- Thường xuyên rà soát, kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố.

- Chủ động rà soát để kịp thời ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải thuộc thẩm quyền của Thành phố phù hợp tình hình thực tiễn;

- Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định tại Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố về “Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; Khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; Áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải”.

3. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố Hà Nội

- Tập trung rà soát Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cập nhật, bổ sung, tích hợp vào điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Hoàn thiện, phê duyệt các đề án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải đã được xác định tại Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy; Nghị quyết của HĐND Thành phố; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Kế hoạch của UBND Thành phố.

4. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động nguồn lực, bổ sung quỹ đất phục vụ giao thông

- Tăng cường thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư khu vực nội đô.

- Tập trung thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành theo đúng kế hoạch, lộ trình và ưu tiên bố trí quỹ đất cho mục đích giao thông (ưu tiên đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tĩnh) và các mục đích công cộng khác.

- Huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình giao thông có vai trò giảm ùn tắc giao thông, các công trình kết nối đồng bộ, thông suốt các tuyến đường khu vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các công trình có tính động lực phát triển... để tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông. Đây là nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, bền vững để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tập trung chỉ đạo, triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua tại Nghị Quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, triển khai đầu tư các bến xe và bãi đỗ xe theo quy hoạch.

5. Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có

[...]