Kế hoạch 4591/KH-UBND năm 2014 thực hiện Chỉ thị 28/CT-TTg nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc do tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 4591/KH-UBND
Ngày ban hành 19/11/2014
Ngày có hiệu lực 19/11/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Kpă Thuyên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4591/KH-UBND

Gia Lai, ngày 19 tháng 11 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 28/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ NÂNG CAO NĂNG LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC

Thực hiện Chi thị số 28/CT-TTg ngày 10/09/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc (gọi tắt là Chỉ thị số 28/CT-TTg). Ý kiến đề xuất của Ban Dân tộc tại Công văn số 462/BDT-KHNV ngày 03/11/2014, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg trên địa bàn tỉnh như sau:

I. Nhiệm vụ chung:

1. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện; nâng cao trách nhiệm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác dân tộc.

2. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, cụ thể hóa những quan điểm thành cơ chế, chính sách cụ thể. Xây dựng cơ chế điều phối, phối  hợp giữa Ban Dân tộc với các Sở, ban, ngành liên quan, các địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc.

3. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; ưu tiên đảm bảo nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc trong năm 2014, 2015. Chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án trong vùng dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.

4. Tập trung rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đến năm 2015; đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Xây dựng các đề án, chính sách theo các mục tiêu cơ bản, dài hạn, ổn định và giảm đầu mối quản lý; tập trung ưu tiên các lĩnh vực: Phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp; khuyến khích thu hút đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hạn chế dần các chính sách hỗ trợ cho không, chuyển mạnh sang cơ chế ưu đãi, hỗ trợ các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất, khuyến khích đồng bào dân tộc vươn lên xóa đói giảm nghèo.

5. Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn phải phân công cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương để đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong thời gian tới.

II. Nhiệm vụ cụ thể của các Sở, Ban, Ngành của tỉnh:

1. Ban Dân tộc:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm của từng địa phương.

- Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ có điều kiện với cơ chế ưu đãi, khuyến khích đồng bào dân tộc tự lực vươn lên xóa đói giảm nghèo để từng bước thay thế các chính sách hỗ trợ trực tiếp và cho không.

- Theo dõi cụ thể, toàn diện việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp đề nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

2. Sở Giao thông vận tải:

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh vùng dân tộc thiểu số để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân (theo đề xuất của UBND các huyện là 54 cầu treo trên địa bàn tỉnh).

3. Sở Công thương:

- Tập trung đầu tư phát triển hệ thống điện cho vùng dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu phụ tải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, phấn đấu đạt tiêu chí số 4 - điện nông thôn theo Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.

- Chú trọng các vùng di dân tái định cư các công trình thủy điện; tập trung phát triển công nghiệp, thương mại khu vực nông thôn.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng các dân tộc rất ít người, có nguy cơ bị mai một bản sắc văn hóa; quy hoạch, bảo tồn phát triển làng văn hóa gắn với du lịch, ưu tiên xây dựng, phát triển các loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc thiểu số, đồng thời hỗ trợ, bảo vệ giữ gìn môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa.

- Chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng hoạt động các công trình văn hóa đã đầu tư ở cơ sở; tăng cường các hình thức, nội dung hoạt động giao lưu văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh trong vùng dân tộc phù hợp với đặc thù từng địa phương.

- Đầu tư xây dựng các công trình nhà văn hóa xã, khu thể thao huyện và   hỗ trợ các hoạt động thể dục thể thao ở vùng dân tộc thiểu số.

- Tiếp tục đổi mới quan điểm, nhận thức và các giải pháp thực hiện xã hội hóa lĩnh vực Văn hóa, Thế thao.

5. Sở Xây dựng:

Khi có Quyết định của Chính phủ về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, ưu tiên cho đối tượng hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng quy hoạch thôn, bản vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

6. Sở Nội vụ:

- Tăng cường công tác đào tạo, quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị theo đúng quy định.

[...]