Kế hoạch 454/KH-UBND năm 2022 thực hiện hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục tỉnh Đắk Nông
Số hiệu | 454/KH-UBND |
Ngày ban hành | 08/08/2022 |
Ngày có hiệu lực | 08/08/2022 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đắk Nông |
Người ký | Tôn Thị Ngọc Hạnh |
Lĩnh vực | Giáo dục,Tài nguyên - Môi trường |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 454/KH-UBND |
Đắk Nông, ngày 08 tháng 8 năm 2022 |
Thực hiện Thông tư số 06/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai như sau:
1. Mục đích
Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành luật pháp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh trong các trường học; trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và gia đình trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ, giảm thiểu tối đa thiệt hại khi có sự cố, tai nạn xảy ra
2. Yêu cầu
Triển khai Kế hoạch phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của lãnh đạo các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thực hiện Kế hoạch kịp thời, đúng quy định, sâu rộng trong các cơ sở giáo dục, mang lại hiệu quả thiết thực cho học sinh; bảo đảm chất lượng, tiến độ, hoàn thành các nội dung. Nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm thống nhất giữa các bậc học, cấp học và không làm thay đổi quy định khung về chương trình giáo dục chính khóa của các bậc học, cấp học, trình độ đào tạo.
1. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Tổ chức quán triệt, phổ biến những nội dung cơ bản của Thông tư số 06/TT-BGDĐT cho học sinh trong các cơ sở giáo dục về kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến cho cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh trong các trường học biết và thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phát huy vai trò công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các trường học, trong cộng đồng; sự phối hợp giữa tổ chức, đơn vị mà trong đó chủ chốt là các cơ sở giáo dục với đơn vị phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Đa dạng và phong phú hình thức tuyên truyền phù hợp với khả năng nhận thức cấp học và điều kiện của địa bàn. Triển khai đầy đủ nội dung tuyên truyền tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT.
Căn cứ điều kiện và phù hợp cấp học để lựa chọn phương pháp, hình thức triển khai việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn hộ cho học sinh quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lồng ghép nội dung, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào các môn học trong chương trình giáo dục chính khóa và các hoạt động giáo dục:
- Đối với giáo dục mầm non: Lồng ghép kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.
- Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên: Lồng ghép với nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa; thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.
Học sinh được trang kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đạt các yêu cầu theo quy định. Đảm bảo đủ thời lượng dạy lý thuyết cũng như thực hành, diễn tập.
Thời lượng tổ chức các hoạt động bổ trợ, diễn tập về phòng cháy chữa cháy tối thiểu: Đối với trẻ em mầm non bảo đảm tối thiểu 01 buổi/năm học. Đối với học sinh phổ thông, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên bảo đảm tối thiểu 02 buổi/năm học.
3. Xây dựng đội ngũ làm công tác quản lý, giảng dạy
Mỗi cơ sở giáo dục có một Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Thủ trưởng đơn vị quyết định thành lập; trong đó, lãnh đạo đơn vị làm Trưởng ban, thành phần là các cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên.
Các thành viên Ban Chỉ đạo phải được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật; có khả năng giảng dạy, phổ biến kiến thức, thực hành kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT.
4. Bảo đảm điều kiện triển khai thực hiện trong các cơ sở giáo dục
Các cơ sở giáo dục được bố trí đủ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; có đủ trang thiết bị giảng dạy và thực hành về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp đối với từng cấp học, trình độ đào tạo:
- Đối với cơ sở giáo dục mầm non: Có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học (video clip, tranh, ảnh, hình vẽ, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn...) minh họa về các nguồn cháy, nổ, nguồn nhiệt, một số sự cố, tai nạn thông thường để tổ chức các hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.