Kế hoạch 45/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình hành động 51-CTr/TU thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Số hiệu 45/KH-UBND
Ngày ban hành 19/01/2022
Ngày có hiệu lực 19/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Hồ Văn Mười
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 19 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 51-CTr/TU NGÀY 16/12/2022 CỦA TỈNH ỦY ĐẮK NÔNG VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 17-CT/TW NGÀY 21/10/2022 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Thực hiện Chương trình hành động số 51-CTr/TU ngày 16/12/2022 của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cán bộ và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới đối với sức khỏe Nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo sự chuyển biến thực sự trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

Tỷ lệ người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; người tiêu dùng, người quản lý được cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm >81%.

Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong vụ ngộ độc: < 7 người/100.000 dân.

Duy trì và xây dựng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đến năm 2025, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm, thủy sản có giấy phép kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trên 50% số cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thực hiện ký cam kết tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm; diện tích sản xuất rau, quả tập trung được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn khác đạt 30% trở lên; 50% trở lên cơ sở chế biến nông lâm, thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO 22000, GMP;

Đến năm 2025: 55% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 100% bếp ăn tập thể có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có ngành nghề kinh doanh các dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 70% chợ được quy hoạch và kiểm soát an toàn thực phẩm (không bao gồm chợ tự phát).

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp trong sự điều hành và huy động sự tham gia của hệ thống chính trị đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Xây dựng kế hoạch thực hiện để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, từng tổ chức. Người đứng đầu các Sở, Ban, ngành và chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phân cấp quản lý công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

2. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp, các cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là hoạt động thông tin trên hệ thống báo chí - truyền thông, mạng xã hội và các hoạt động cổ động trực quan.

Chú trọng các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong các đợt cao điểm, gắn với tuyên truyền các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tầng lớp Nhân dân về vai trò của việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, bảo vệ giống nòi và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Kịp thời tuyên truyền, phản ánh, lên án đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm và các vụ việc, sự kiện khác về an toàn thực phẩm được dư luận và Nhân dân quan tâm.

3. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành và các huyện, thành phố

Cụ thể hóa và thực hiện tốt cơ chế, chính sách hiện có của Trung ương liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Chú trọng nghiên cứu xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các mô hình sản xuất, chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế phân cấp, phân công, phối hợp trong công tác quản lý, giám sát vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm; kịp thời xử lý dứt điểm các điểm nóng về an ninh, an toàn thực phẩm được dư luận xã hội, người tiêu dùng quan tâm, phản ánh trên địa bàn; áp dụng các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc lạm dụng sử dụng chất cấm, kháng sinh, hoá chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, tăng cường năng lực kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất rõ nguồn gốc thực phẩm.

Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và đơn giản hóa thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm.

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn. Tiếp tục nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, đột xuất các cơ sở thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

[...]