Kế hoạch 448/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chương trình hành động 29-CTr/TU về công tác dân số trong tình hình mới do tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 448/KH-UBND
Ngày ban hành 28/08/2018
Ngày có hiệu lực 28/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Tôn Thị Ngọc Hạnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 448/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 28 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 29-CTR/TU NGÀY 08/5/2018 CỦA TỈNH ỦY ĐẮK NÔNG VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Phần I

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH HIỆN NAY

I. Kết quả đạt được

Sau gần 15 năm thành lập tỉnh, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, chính sách DS-KHHGĐ tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt kết quả cao, góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân; nhận thức của toàn xã hội đã có bước chuyển biến rõ nét, đa số chấp nhận quy mô gia đình ít con để có điều kiện chăm sóc nuôi dạy con tốt hơn và phát triển kinh tế gia đình mang lại lợi ích thiết thực trước mắt và lâu dài cho gia đình và xã hội, nhiều người đã tự trả chi phí để thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), Nhà nước không phải bao cấp 100% như trước đây; tốc độ tăng dân số nhanh đã được khống chế và tiếp tục có những bước tiến quan trọng và từ đó đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh nhà.

Số con trung bình trên một phụ nữ giảm đáng kể từ 3,2 con năm 2004 xuống còn 2,28 con năm 2017. Mức giảm tỷ suất sinh giai đoạn 2004-2009 trung bình mỗi năm giảm 1‰, giai đoạn 2010-2017 mỗi năm giảm 0,5‰. Tỷ suất sinh thô 28,1‰ năm 2004 giảm còn 17‰ năm 2017. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 2,28% năm 2004 xuống còn 1,2% năm 2017. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hàng năm đều tăng.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về DS-KHHGĐ của các cấp, các ngành và toàn dân đã có bước chuyển biến tích cực. Dịch vụ về dân số được mở rộng hơn, chất lượng ngày càng tăng lên đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bộ máy làm công tác dân số đã có nhiều nỗ lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh giao; tăng cường phối hợp liên ngành đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3, số con trung bình trên một phụ nữ giảm đáng kể và sẽ sớm đạt mức sinh thay thế vào khoảng năm 2020, tuổi thọ trung bình tăng từ 70,79 tuổi năm 2005 lên 72, 24 tuổi năm 2017.

II. Hạn chế

Tuy đạt nhiều kết quả rất quan trọng nhưng công tác dân số trong tình hình mới vẫn còn thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Đắk Nông và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Những chỉ tiêu như mức sinh giảm nhưng không ổn định, cơ cấu dân số biến động mạnh, chưa đạt dân số vàng, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh, mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng; di cư tự do diễn ra trên phạm vi cả tỉnh; chất lượng dân số thấp, nhiều vấn đề sức khỏe sinh sản chưa được giải quyết.

Mức sinh giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng thành thị còn chênh lệch đáng kể, người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao trên 32%, kinh tế khó khăn nhưng có phong tục tập quán sinh đông con ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao hơn so với cả nước. Tỷ lệ này ở các huyện, thị xã trong tỉnh cũng rất chênh lệch, các huyện nghèo, đi lại khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số thì tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên càng cao như huyện Đắk Glong, Tuy Đức.

Tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn còn thấp, nhận thức của người dân về vấn đề này chưa cao. Tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên chưa được kiểm soát, nhận thức của vị thành niên, thanh niên về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế và e ngại khi tìm hiểu về vấn đề này. Vẫn còn tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống xảy ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc triển khai các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số mới bước đầu thực hiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mang tính chất thí điểm chưa được triển khai rộng rãi nên hiệu quả chưa cao.

Di dân tự do từ nơi khác đến Đắk Nông làm ăn sinh sống chiếm tỷ lệ cao, phân bố chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa và làm nông nghiệp là chủ yếu. Tâm lý, tập quán muốn sinh nhiều con để tạo nguồn lao động cho gia đình trong tương lai là rào cản rất lớn đối với công tác dân số trong việc giảm sinh bền vững.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tầm vóc, thể lực chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp.

Công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, vai trò nhà trường còn hạn chế. Nội dung truyền thống, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào kế hoạch hóa gia đình.

Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới. Tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở cấp cơ sở còn thấp. Chức năng, nhiệm vụ chưa được điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình dân số. Các nội dung về dân số trong phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho dân số, kế hoạch hóa gia đình còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu.

Quản lý dân số bằng kho dữ liệu điện tử đã triển khai nhưng đạt hiệu quả chưa cao, chưa được đầu tư đúng mức nên chưa bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu dân số kịp thời, chính xác phục vụ các ngành các cấp.

Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả.

Phần II

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 29-CTR/TU CỦA TỈNH ỦY ĐẮK NÔNG VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

I. Căn cứ lập Kế hoạch

- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết số 21-NQ/TW);

- Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết số 137/NQ-CP);

- Quyết định số 1619/QĐ-BYT ngày 06/3/2018 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (gọi tắt là Chương trình hành động số 29-CTr/TU);

- Chương trình hành động số 29-CTr/TU, ngày 08/5/2018 của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (gọi tắt là Quyết định số 1619/QĐ-BYT).

II. Mục tiêu

[...]