Kế hoạch 4436/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030

Số hiệu 4436/KH-UBND
Ngày ban hành 03/06/2024
Ngày có hiệu lực 03/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Ngọc Phúc
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4436/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 03 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÂY CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 84/TTr-SNN ngày 27/5/2024; Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung: Phát triển bền vững các đối tượng cây công nghiệp chủ lực (cà phê, chè, điều, hồ tiêu, cao su, dâu tằm) theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp toàn diện bền vững hiện đại.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2030, diện tích cây công nghiệp cây chủ lực toàn tỉnh khoảng 211.700 ha, sản lượng 1.125.000 tấn; trong đó: cây cà phê 165.000 ha, sản lượng 576.000 tấn; cây điều 13.000 ha, sản lượng 20.800 tấn; cây chè 8.000 ha, sản lượng trên 121.300 tấn; cây hồ tiêu 2.000 ha, sản lượng 7.000 tấn; cây cao su 8.500 ha, sản lượng 14.830 tấn; cây dâu tằm 15.000 ha, sản lượng 385.000 tấn.

b) Diện tích sản xuất cây công nghiệp chủ lực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 21%; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 200 triệu đồng/ha.

c) Sản lượng cây công nghiệp chủ lực tiêu thụ qua chuỗi đạt khoảng 40% tổng sản lượng với trên 70 chuỗi liên kết hoạt động bền vững. Giá trị xuất khẩu đạt trên 350 triệu USD.

II. Nội dung thực hiện

1. Phát triển cây công nghiệp chủ lực thông qua đầu tư các vùng sản xuất tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất, sản lượng và chất lượng sản phẩm:

Sản xuất các loại cây công nghiệp chủ lực theo hướng bền vững, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, phát huy tiềm năng lợi thế và phù hợp điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng gắn với công tác bảo vệ phát triển rừng, cụ thể:

a) Cây cà phê: Diện tích toàn tỉnh ổn định khoảng 165.000 ha, trong đó diện tích cà phê vối 150.000 ha, cà phê chè 15.000; năng suất bình quân 36 tạ/ha, sản lượng 576.000 tấn. Tỷ lệ cà phê được trồng cây che bóng đạt trên 50%; vùng trồng cà phê vối tập trung tại các huyện: Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm; Đức Trọng; Đam Rông, Bảo Lộc; vùng trồng cà phê chè chủ yếu tại: thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.

b) Cây điều: Diện tích khoảng 13.000 ha; năng suất bình quân 14 tạ/ha; sản lượng 20.800 tấn; vùng sản xuất tập trung tại các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

c) Cây chè: Diện tích duy trì khoảng 8.000 ha; năng suất 154 tạ/ha; sản lượng 121.300 tấn; vùng trồng chủ yếu tại thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm Di Linh và thành phố Đà Lạt.

d) Cây hồ tiêu: Diện tích hồ tiêu toàn tỉnh 2.000 ha; năng suất 35 tạ/ha; sản lượng khoảng 7.000 tấn; vùng sản xuất tập trung chủ yếu tại Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm.

đ) Cây cao su: Diện tích toàn tỉnh khoảng 8.500 ha (cao su đại điền 5.500 ha, cao su tiểu điền 3.000 ha); năng suất 28 tạ/ha; sản lượng 14.900 tấn; vùng sản xuất tập trung chủ yếu tại: huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

e) Cây dâu tằm: diện tích trồng cây dâu tằm toàn tỉnh 15.000 ha (13.200 ha diện tích kinh doanh); năng suất bình quân 292 tạ/ha, sản lượng 385.000 tấn; vùng sản xuất tập trung chủ yếu tại thành phố Bảo Lộc, các huyện: Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đam Rông.

(Chi tiết theo Phụ lục đính kèm).

2. Nhu cầu giống thực hiện Kế hoạch:

a) Nhu cầu cây giống phục vụ sản xuất giai đoạn 2024 - 2030 là 100 triệu cây giống các loại và 79 triệu chồi ghép. Trong đó, cà phê 20,5 triệu cây giống và 79 triệu chồi ghép; cây điều 0,3 triệu cây giống; cây chè 21 triệu cây giống; cây hồ tiêu 0,2 triệu cây giống; cây dâu tằm 58 triệu hom giống.

b) Phát triển và nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây công nghiệp; đến năm 2030 toàn tỉnh có khoảng 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh và ươm giống cây công nghiệp dài ngày; phấn đấu đáp ứng được nhu cầu cây giống phục vụ sản xuất trong tỉnh.

3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi giống và sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận gắn với phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu:

a) Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ phù hợp với từng đối tượng cây trồng và từng khu vực. Ưu tiên áp dụng các hệ thống theo dõi, cảnh báo thời tiết, thiên tai tại các vùng sản xuất công nghệ cao, phát triển công nghệ giống, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, kết hợp bón phân phân tự động và các quy trình canh tác hiện đại, thí điểm một số mô hình ứng dụng công nghệ IoT tại các khu vực sản xuất trọng điểm; nghiên cứu, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình vườn mẫu gắn với cảnh quan nông thôn.

b) Tiếp thực thực hiện tái canh, cải tạo, thay thế những diện tích cây công nghiệp già cỗi, năng suất thấp bằng các giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

c) Đến năm 2030 có khoảng 42.500 ha cây công nghiệp chủ lực sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao, chiếm trên 21% tổng diện tích. Diện tích sản xuất được cấp các chứng nhận an toàn, bền vững (4C, Utz, Rainforest, GAP, hữu cơ...) đạt trên 100.000 ha.

4. Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực, xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm:

[...]