Kế hoạch 4344/KH-UBND năm 2024 cải thiện, nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) đến năm 2025 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 4344/KH-UBND
Ngày ban hành 20/09/2024
Ngày có hiệu lực 20/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Huyền
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4344/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 20 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN, NÂNG CAO CHỈ SỐ XANH CẤP TỈNH (PGI) ĐẾN NĂM 2025

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 của tỉnh Ninh Thuận xếp vị trí thứ 33 với tổng số 21,88 điểm. Trong 04 chỉ số thành phần, có 02 chỉ số đạt số điểm tương đối cao là: Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đạt 7,08 điểm (đứng thứ hạng 26/63 tỉnh thành); Chỉ số đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đạt 6,07 điểm (đứng thứ hạng 23/63 tỉnh thành); 02 chỉ số có còn lại đạt số điểm thấp là Chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh đạt 3,78 điểm (đứng thứ hạng 48/63 tỉnh thành) và Chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường đạt 4,95 điểm (đứng thứ hạng 42/63 tỉnh thành). Đây là một hợp phần về môi trường được tích hợp trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lần đầu tiên vào năm 2022. Chỉ số PGI được công bố thường niên và sẽ trải qua một lộ trình thử nghiệm, hoàn thiện và phát triển, với mong muốn đây sẽ là một công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ Chỉ số PCI để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao Chỉ số PGI, tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Ninh Thuận, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch cải thiện và nâng cao Chỉ số PGI trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Cải thiện, nâng cao Chỉ số PGI của tỉnh một cách bền vững; phấn đấu năm 2024 và các năm tiếp theo các chỉ số, chỉ tiêu thành phần của Chỉ số PGI được cải thiện so với kết quả đã đạt được năm 2023.

- Tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ số PGI; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh trong việc duy trì và cải thiện kết quả, thứ bậc xếp hạng Chỉ số PGI của tỉnh, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững tại tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.

2. Yêu cầu:

- Việc thực hiện phải được triển khai đồng bộ, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá định kỳ để có giải pháp phù hợp, kịp thời, đảm bảo mục tiêu cải thiện hiệu quả, bền vững, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.

- Xác định trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành và địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tập trung cải thiện điểm số các chỉ số thành phần có điểm số, thứ hạng thấp, giữ vững và nâng cao hơn nữa các chỉ số thành phần có điểm số cao của năm 2023.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PGI của tỉnh, hướng tới tăng các chỉ tiêu thành phần và thứ hạng xếp hạng Chỉ số PGI của tỉnh trong thời gian tới.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Năm 2024: Phấn đấu tăng điểm số PGI của Ninh Thuận năm 2024 đạt từ 22,24 điểm trở lên (tăng 0,36 điểm so với năm 2023). Trong đó, quan tâm cải thiện 02 chỉ số thành phần, cụ thể: Chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh tăng từ 3,78 điểm lên 4,02 điểm và Chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường tăng từ 4,95 điểm lên 5,07 điểm

2.2. Năm 2025: Phấn đấu tăng điểm số PGI của Ninh Thuận năm 2024 đạt từ 22,55 điểm trở lên (tăng 0,67 điểm so với năm 2023; tăng 0,31 điểm so với dự kiến năm 2024) và đưa PGI Ninh Thuận vào nhóm 30 tỉnh, thành phố có Chỉ số tăng trưởng xanh cao nhất cả nước.

Cụ thể số điểm của các chỉ số thành phần trong Chỉ số PGI của tỉnh năm 2024 và năm 2025 như sau:

STT

Chỉ số

Đơn vị tính

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu

điểm

7,08

7,08

7,13

2

Chỉ số đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu

điểm

6,07

6,07

6,07

3

Chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh

điểm

3,78

4,02

4,12

4

Chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường

điểm

4,95

5,07

5,23

Tổng cộng:

21,88

22,24

22,55

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Chỉ số thành phần 1: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (Minimizing Risk):

1.1. Tiếp tục triển khai thực hiện quan trắc định kỳ các thành phần môi trường và đầu tư trạm quan trắc môi trường nước và không khí tự động, liên tục theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023; tiếp tục vận hành hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục và đảm bảo đến 31/12/2024, tất cả các cơ sở thuộc đối tượng lắp đặt trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục phải hoàn thành việc lắp đặt và kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; công bố kết quả quan trắc trên Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường và phương tiện truyền thông của tỉnh để các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng.

1.2. Tiếp tục duy trì đường dây nóng cấp tỉnh (được thiết lập tại Quyết định số 1150/QĐ-STNMT ngày 14/3/2022 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), cấp huyện để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh theo Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Quyết định số 174/QĐ-BTNMT ngày 24/01/2022.

1.3. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và đảm bảo chất thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau xử lý phải đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải ra môi trường; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư từ giai đoạn xây dựng cho đến khi vận hành chính thức.

1.4. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu.

1.5. Tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

1.6. Tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thành chỉ tiêu nâng tỷ lệ số hộ dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt 99,7% và hộ gia đình sử dụng nước sạch (đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 26/7/2022) đạt 97,5%.

1.7. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động phải đầu tư, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Tất cả các khu công nghiệp hoạt động đều phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường.

[...]