Kế hoạch 151/KH-UBND năm 2024 cải thiện và nâng cao kết quả đánh giá Chỉ số xanh (PGI) của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2024-2025

Số hiệu 151/KH-UBND
Ngày ban hành 08/08/2024
Ngày có hiệu lực 08/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Nguyễn Cao Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 08 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN VÀ NÂNG CAO KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ CHỈ SỐ XANH (PGI) TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2024-2025

Chỉ số Xanh cấp tỉnh (Provincial Green Index - PGI) là bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh cũng như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại văn bản số 3442/VPCP- KSTT ngày 20/5/2024 về việc nghiên cứu báo cáo PCI và PGI năm 2023; đồng thời nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, cải thiện và nâng cao kết quả đánh giá PGI tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải thiện và nâng cao kết quả đánh giá Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) tỉnh Ninh Bình năm 2024-2025 với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cải thiện và nâng cao kết quả đánh giá Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của tỉnh một cách bền vững.

- Tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ số PGI; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong việc tham mưu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm duy trì và cải thiện kết quả, thứ bậc xếp hạng Chỉ số PGI của tỉnh, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường đảm bảo phát triển bền vững tại tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.

2. Yêu cầu

- Việc thực hiện phải được triển khai đồng bộ, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; các giải pháp đưa ra phải tổng thể để các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết trong việc cải thiện điểm số các chỉ số, chỉ tiêu thành phần PGI do ngành mình được phân công phụ trách; thường xuyên đôn đốc, đánh giá định kỳ để có giải pháp phù hợp, kịp thời, đảm bảo mục tiêu cải thiện hiệu quả, bền vững, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.

- Các sở, ban, ngành, địa phương phải chủ động nghiên cứu các chỉ số, chỉ tiêu thành phần PGI do ngành mình được phân công phụ trách; xác định những điểm cần cải thiện; đề xuất những biện pháp, hành động cụ thể để nâng cao chỉ số xanh cấp tỉnh; tích cực học tập, nghiên cứu kinh nghiệm, cách làm hay của các tỉnh, thành phố để xây dựng và hoàn thiện kế hoạch cải thiện, nâng cao thứ hạng và tăng điểm số từng chỉ tiêu, chỉ số thành phần;

- Xác định trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành và địa phương để tập trung cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần có trọng số cao, ảnh hưởng nhiều đến tổng điểm số PGI, cải thiện và nâng cao các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của năm 2023. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối, chủ trì có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ trì và cùng chịu trách nhiệm về kết quả các chỉ số thành phần thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai, quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình nghiêm túc thực hiện Kế hoạch này; chủ động triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của ngành, địa phương nhằm nâng cao chất lượng quản trị môi trường, định hướng tăng trưởng xanh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Cải thiện, nâng cao về điểm số của các chỉ số thành phần; đặc biệt là nâng cao chất lượng quản trị môi trường và tăng trưởng xanh trong hành động của các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp thông qua việc liên tục cải thiện các chỉ tiêu, chỉ số thành phần cấu thành PGI của tỉnh. Duy trì các chỉ số thành phần xếp thứ hạng cao, nâng cao các chỉ số thành phần còn xếp thứ hạng thấp; phấn đấu năm 2024-2025 chỉ số PGI của tỉnh đứng trong nhóm những tỉnh dẫn đầu cả nước.

- Đổi mới cơ chế, chính sách đảm bảo thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn, đột phá, hỗ trợ đầu tư xanh, xanh hóa sản xuất và tiêu dùng, phát triển doanh nghiệp xanh, tạo ra sự khác biệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024-2025.

2. Mục tiêu cụ thể của Chỉ số PGI năm 2024-2025

Phấn đấu cải thiện điểm số, duy trì vị trí xếp hạng PGI của tỉnh thuộc thứ hạng trong nhóm 30 tỉnh/thành phố xếp thứ hạng cao của cả nước và phấn đấu cao hơn nữa để đứng thứ hạng trong nhóm 10 tỉnh/thành phố xếp thứ hạng cao nhất cả nước, cụ thể mục tiêu của các Chỉ số thành phần như sau:

- Chỉ số Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai: đạt thứ hạng trong nhóm 10 tỉnh/thành phố xếp thứ hạng cao nhất và có điểm số đạt trên 7,50 điểm (tăng tối thiểu 0,08 điểm so với năm 2023);

- Chỉ số Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đạt thứ hạng trong nhóm 30 tỉnh/thành phố xếp thứ hạng cao nhất và có điểm số đạt trên 6,02 điểm (tăng tối thiểu 0,69 điểm so với năm 2023);

- Chỉ số Thúc đẩy thực hành Xanh đạt thứ hạng trong nhóm 30 tỉnh/thành phố xếp thứ hạng cao nhất và có điểm số đạt trên 4,02 điểm (tăng tối thiểu 0,24 điểm so với năm 2023);

- Chỉ số Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường đạt thứ hạng trong nhóm 10 tỉnh/thành phố xếp thứ hạng cao nhất và có điểm số đạt trên 5,56 điểm (tăng tối thiểu 0,16 điểm so với năm 2023).

IV. GIẢI PHÁP CẢI THIỆN CHỈ SỐ XANH CẤP TỈNH (PGI)

1. Xanh hóa sản xuất, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

- Nghiên cứu xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, giảm phát thải cac-bon, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả về năng lượng, tài nguyên; sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu thân thiện với môi trường.

- Thu hút đầu tư phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh doanh tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên; quan tâm xúc tiến dự án đầu tư có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh. Xây dựng chuỗi cung ứng xanh, từ nguồn nguyên vật liệu đến phân phối. Áp dụng các tiêu chuẩn, nhãn sinh thái và chứng nhận môi trường và thúc đẩy thương mại điện tử và logistics xanh.

- Kiểm kê và đánh giá lượng khí thải các-bon trên địa bàn; tận dụng cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp khi thực hiện các cam kết tuân thủ những tiêu chuẩn xanh, tập trung vào quản lý rủi ro và bảo vệ đầu ra của quá trình sản xuất trong quá trình chuyển đổi.

[...]