Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 433/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 433/KH-UBND
Ngày ban hành 01/07/2022
Ngày có hiệu lực 01/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Phước
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 433/KH-UBND

An Giang, ngày 01 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2022 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang, với nội dung cụ thể như sau:

I. Mục tiêu, yêu cầu

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển GDNN đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2022 - 2030.

- Mạng lưới cơ sở GDNN phát triển đồng bộ, cơ cấu hợp lý; bộ máy tổ chức sắp xếp tinh gọn, năng động, hiệu quả, chú trọng quản lý chất lượng và đề cao tính tự chủ của cơ sở, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu; khai thác sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đạt hiệu quả; tập trung nâng cao chất lượng các trường, các nghề trọng điểm đạt cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia; phấn đấu các trường cao đẳng, trung cấp đạt chuẩn trường chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp có kỹ thuật, tay nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phổ cập nghề, đào tạo thường xuyên cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

- Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt tóp khá so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có công với cách mạng, người khuyết tật,... tạo cơ hội cho người lao động có nhu cầu học nghề được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề nghiệp, tiếp thu các công nghệ và kỹ thuật mới.

- Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề nghiệp, thu hút mọi thành phần kinh tế, cá nhân và tổ chức trong, ngoài tỉnh và nước ngoài tham gia đào tạo nghề nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2025

- Mỗi năm tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp khoảng 15.000 người. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng khoảng 1.500 sinh viên, chiếm tỷ lệ khoảng 10%; trình độ trung cấp khoảng 1.800 học sinh, chiếm tỷ lệ khoảng 12% trong tổng số tuyển sinh. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 31,5% vào năm 2025.

- Sáp nhập, giảm đầu mối các cơ sở GDNN công lập; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp thành lập cơ sở GDNN tư thục và phát triển đào tạo nghề thuộc các lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp.

- Phấn đấu Trường Cao đẳng nghề An Giang đạt chuẩn trường chất lượng cao; đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho 02 trường trung cấp đạt chuẩn theo quy định. Phấn đấu các trường cao đẳng, trung cấp sẽ tự đảm bảo chi thường xuyên theo cơ chế tự chủ tài chính (trừ Trường Trung cấp nghề Dân tộc Nội trú).

2.2. Giai đoạn 2026 - 2030

- Mỗi năm tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 12.000 người. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng khoảng 1.800 sinh viên, chiếm tỷ lệ khoảng 15%; trình độ trung cấp khoảng 2.160 học sinh, chiếm tỷ lệ khoảng 18% trong tổng số tuyển sinh. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 39% vào năm 2030.

- Phấn đấu 01 trường cao đẳng tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo cơ chế tự chủ tài chính; 01 trường trung cấp đạt chuẩn trường chất lượng cao.

3. Yêu cầu

- Đảm bảo sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cơ sở trong chỉ đạo, điều hành; lồng ghép triển khai Kế hoạch với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở GDNN và người dân tham gia trong công tác phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

- Phát triển GDNN bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm, an sinh xã hội; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

II. Nội dung

1. Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN

- Triển khai hiệu quả Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ GDNN và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.

- Triển khai cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động GDNN và phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo nghề tại nơi làm việc.

- Đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thu hút, tuyển dụng cán bộ quản lý nhà nước về GDNN và cán bộ quản lý cơ sở GDNN bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.

- Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề trong GDNN, bảo đảm yếu tố bình đẳng giới. Có chính sách khuyến khích và cơ chế mở, linh hoạt để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao và kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề.

- Nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu hút người học các trình độ GDNN thuộc lĩnh vực, ngành, nghề trọng điểm; ngành, nghề nặng nhọc, độc hại; chính sách đối với người học thuộc các đối tượng đặc thù như người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động nữ, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ; chính sách về bình đẳng giới trong GDNN; chính sách hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và người lao động qua đào tạo nghề nghiệp.

- Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tự do, người lao động thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp do tác động của cách mạng công nghiệp, thiên tai, dịch bệnh được tham gia học nghề.

[...]