Kế hoạch 141/KH-UBND năm 2022 triển khai Quyết định 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 141/KH-UBND
Ngày ban hành 15/06/2022
Ngày có hiệu lực 15/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 141/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 15 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 2239/QĐ-TTG NGÀY 30/12/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 336/QĐ-LĐTBXH ngày 13/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg; Công văn số 1120/LĐTBXH-TCGDNN ngày 13/4/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 2239/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm quán triệt, triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả Quyết định số 2239/QĐ-TTg.

- Xác định rõ nội dung, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Kế hoạch này làm căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời xác định các cơ quan liên quan phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg.

2. Yêu cầu

- Xác định các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, đồng thời bám sát, đáp ứng các yêu cầu của Quyết định số 2239/QĐ-TTg.

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg đảm bảo hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra.

- Nâng cao vai trò tham mưu, đề xuất của các cấp, các ngành về cơ chế, giải pháp thực hiện các chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp, đồng thời tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện các chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp.

- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động nói chung, thị trường lao động trong tỉnh, thị trường lao động tại khu vực biên giới nói riêng, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn trong từng giai đoạn.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng lên, phấn đấu có ít nhất 02 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận các tiêu chí, tiêu chuẩn trường chất lượng cao; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 30% trở lên.

Một số chỉ tiêu chủ yếu:

- Thu hút 35 - 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới.

- Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động.

- Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 60%.

- Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 25%.

- Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt từ 65%.

- Ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

- Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.

[...]