Kế hoạch 43/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới" do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 43/KH-UBND
Ngày ban hành 20/02/2023
Ngày có hiệu lực 20/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 20 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TÌNH HÌNH MỚI”

Thực hiện Quyết định số 382/QĐ-BCA ngày 18/01/2021 của Bộ Công an về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới”; Nghị quyết số 110/2022/NQ-HĐND ngày 09/7/2022 của HĐND tỉnh về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; theo đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình số 387/TTr-CAT ngày 31/01/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới”, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, gây ra, coi đây là biện pháp phòng ngừa xã hội quan trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ sở bảo đảm linh hoạt, sáng tạo thích ứng với các tình huống phát sinh trong thực tế, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực cụ thể; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội trên Internet; phối hợp chặt chẽ, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở cơ sở.

- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật trên tinh thần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng thực hành các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các tầng lớp Nhân dân.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ trách nhiệm, lộ trình thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành; kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát sinh, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện.

II. THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG, MỤC TIÊU

1. Thời gian

Thời gian kế hoạch được triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2023 đến hết năm 2025.

2. Đối tượng

Đối tượng được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm:

a) Nhóm 1: Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội;

b) Nhóm 2: Người đứng đầu, cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các đơn vị cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

c) Nhóm 3: Chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương và quần chúng nhân dân;

d) Nhóm 4: Sinh viên, học sinh các cấp, bậc học.

3. Mục tiêu

3.1. Mục tiêu tổng quát

Đổi mới sâu sắc về nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm công tác này được tổ chức thường xuyên, sâu rộng, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, người lao động, người dân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng thực hành các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các tầng lớp Nhân dân, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra.

3.2. Mục tiêu cụ thể

a) Tổ chức tuyên truyền, trang bị kiến thức pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết cho các đối tượng.

- Phấn đấu 100% người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội được phổ biến và nắm được các quy định liên quan đến trách nhiệm tham gia thực hiện quản lý nhà nước và trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi quản lý; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố, thoát nạn tại nơi ở, nơi làm việc.

- Phấn đấu 100% người đứng đầu cơ sở, cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các đơn vị, cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy được phổ biến, tập huấn và nắm được các quy định cơ bản về trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố, thoát nạn tại nơi ở, nơi làm việc và phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy.

- Phấn đấu ít nhất 90% chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương và quần chúng Nhân dân được phổ biến, tập huấn và nắm được các quy định cơ bản của pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiến thức phổ thông về phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố; cách xử lý và thoát nạn khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra tại nơi ở, nơi làm việc.

[...]