Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 42/KH-UBND năm 2020 thực hiện Kế hoạch 171-KH/TU thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 42/KH-UBND
Ngày ban hành 10/03/2020
Ngày có hiệu lực 10/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trương Quang Hoài Nam
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 10 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 171-KH/TU NGÀY 22/11/2019 CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 50-NQ/TW NGÀY 20/8/2019 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HỢP TÁC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 22/11/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp để thu hút, phát triển nguồn vốn đầu tư nước ngoài; khắc phục những khó khăn, hạn chế về thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố; góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt một số mục tiêu định hướng chủ yếu sau:

- Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 200 triệu USD (khoảng 40 triệu USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 250 triệu USD (khoảng 50 triệu USD/năm).

- Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 triệu USD (khoảng 30 triệu USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 triệu USD (khoảng 40 triệu USD/năm).

- Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế quốc dân từ 73,5% năm 2019 lên 80% vào năm 2025 và 85% vào năm 2030.

II. NHIỆM VỤ

1. Nghiên cứu, khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Nghiên cứu đề xuất bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

2. Đề xuất Bộ ngành Trung ương xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế. Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn.

3. Khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện. Khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam. Có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến. Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

4. Quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

5. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, uỷ quyền và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài về kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh, ...

6. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa Trung ương với địa phương, giữa các vùng, giữa cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội nghề nghiệp trong công tác xúc tiến đầu tư. Chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới; tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường, đối tác mới.

7. Thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, không để phát sinh khiếu kiện, tranh chấp quốc tế xảy ra. Chấn chỉnh công tác quản lý, triển khai dự án đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường, phù hợp quy hoạch, theo đúng các tiêu chí lựa chọn, sàng lọc dự án... Bảo đảm chặt chẽ về quy trình, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nước ngoài theo đúng quy định pháp luật.

8. Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng chính quyền; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Chủ động nghiên cứu, phát hiện và phòng ngừa các hoạt động chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Thực hiện chặt chẽ quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trên địa bàn thành phố, trong đó lưu ý các điều kiện về quốc phòng, an ninh.

2. Đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, đề xuất Trung ương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố để thu hút đầu tư nước ngoài; góp ý, đề xuất xây dựng danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế để làm cơ sở thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực thành phố có nhu cầu và không bị hạn chế theo quy định của pháp luật.

3. Rà soát, xây dựng danh mục mời gọi đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của thành phố. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ mới, tiên tiến, ít thâm dụng tài nguyên, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi giá trị, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực.

4. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia hợp tác, kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhằm tiếp cận và hấp thụ các công nghệ tiên tiến.

5. Thường xuyên theo dõi, triển khai thực hiện kịp thời và nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

6. Trong quá trình xem xét cấp Quyết định chủ trương đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cần quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, nhất là các lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, xây dựng nhà ở xã hội, trường học, cơ sở y tế,..., đặc biệt đề cao trách nhiệm bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

[...]