CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 103/2018/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 8 năm 2018
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH MỘT SỐ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VỀ ĐẦU TƯ, TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐỐI
VỚI THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân
sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản
lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật xây dựng
ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật nhà ở
ngày 25 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật đất
đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật quy hoạch
đô thị ngày 29 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật đầu tư
công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số cơ
chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành
phố Cần Thơ.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định một số cơ chế đặc thù về
đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ (viết
tắt là thành phố).
2. Nghị định này áp dụng đối với:
a) Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ
chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã
hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách
thành phố;
b) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có
liên quan đến việc thực hiện cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và
phân cấp quản lý đối với thành phố.
Điều 2. Nguyên tắc xây dựng cơ
chế đặc thù
1. Cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển
nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của thành phố; tạo điều kiện để thành phố
phát huy được những lợi thế trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước,
là trung tâm kinh tế - xã hội lớn với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương
mại và dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020; tạo động lực quan
trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
2. Việc phân cấp quản lý phải gắn với tăng cường
trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố; đồng thời phát
huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của
thành phố trong việc thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương.
Điều 3. Huy động vốn đầu tư và
nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương
1. Thành phố được vay vốn đầu tư trong nước thông
qua các hình thức huy động theo quy định của pháp luật; vay lại từ nguồn Chính
phủ vay nước ngoài về cho ngân sách địa phương vay lại. Mức dư nợ (bao gồm vay
lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại và khoản vay trong nước
khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số
thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân
sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định.
2. Chính phủ ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân
sách trung ương cho ngân sách thành phố để tham gia thực hiện các dự án mang
tính chất liên vùng trên địa bàn thành phố theo hình thức hợp tác công - tư
(PPP).
3. Chính phủ ưu tiên bố trí đủ vốn bổ sung có mục
tiêu cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội
của thành phố và các dự án mang tính chất cấp vùng của vùng đồng bằng sông Cửu
Long.
4. Thành phố sử dụng vốn huy động đầu tư, vốn ngân
sách trung ương hỗ trợ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn ưu đãi của
các nhà tài trợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Điều
4 và khoản 1 Điều 5 Nghị định này để ưu tiên đầu tư các dự án, công trình
theo Phụ lục đính kèm Nghị định này.
Điều 4. Huy động vốn hỗ trợ
phát triển chính thức (ODA) và vốn ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
1. Chính phủ ưu tiên hỗ trợ vốn ODA cho thành phố để
thực hiện những dự án đầu tư hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân
sách thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố là cơ quan chủ quản. Việc bố trí vốn
đối ứng trong nước cho các dự án này do ngân sách thành phố bảo đảm.
2. Chính phủ ưu tiên bố trí vốn vay ưu đãi theo
phương thức cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án PPP trên địa bàn
thành phố.
3. Ủy ban nhân dân thành phố được phê duyệt danh mục
dự án, quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ (ODA, phi Chính phủ nước ngoài)
không hoàn lại đối với các chương trình, dự án không phụ thuộc vào quy mô viện
trợ trừ các khoản viện trợ hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thể chế, tôn giáo,
chính sách pháp luật, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh do Thủ tướng
Chính phủ quyết định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chịu trách nhiệm thực
hiện tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ này, thực hiện
chế độ hạch toán, kế toán, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật; hàng
năm, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, giám sát và tổng
hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 5. Đặc thù về ngân sách
1. Hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục
tiêu cho thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản
thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán
Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo
quy định của Luật ngân sách nhà nước) và
các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm
b, c, d, g, h, i, q khoản 1 Điều 35 Luật ngân sách nhà nước tăng thu so với
dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không kể khoản thu: Không giao thành phố quản
lý thu, không phát sinh trên địa bàn thành phố mà chỉ hạch toán nộp ở thành phố;
các khoản thu đã được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng; các khoản hạch toán
ghi thu, ghi chi và các khoản thu được để lại đơn vị chi quản lý qua ngân sách
nhà nước theo quy định của pháp luật); số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số
tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.
Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng
các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.
Căn cứ tổng số vượt thu ngân sách trung ương và cân
đối chung, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định mức bổ
sung có mục tiêu cho thành phố theo quy định của Luật
ngân sách nhà nước và cơ chế đặc thù của thành phố quy định tại Điều này.
2. Số bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu quy định
tại khoản 1 Điều này, thành phố sử dụng: Ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ
bản; đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng; đầu tư Khu công nghệ cao thành phố;
bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA; chi trả nợ các khoản vốn vay; thực hiện
các nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng,
an ninh, trật tự, an toàn xã hội của thành phố và thưởng cho ngân sách cấp dưới.
Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố quyết định mức vốn
cụ thể cho từng mục tiêu, nhiệm vụ và thưởng cho ngân sách cấp dưới.
3. Năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, Chính phủ
giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất trình cấp
có thẩm quyền xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố để đảm
bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố
và các dự án mang tính chất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Điều 6. Về hỗ trợ lãi suất
Thành phố được thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần lãi
suất cho các tổ chức, cá nhân khi vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế
- xã hội quan trọng có khả năng thu hồi vốn trong phạm vi và khả năng của ngân
sách thành phố.
Điều 7. Về bán nhà ở xã hội
Thành phố được bán nhà ở xã hội được đầu tư bằng
nguồn vốn ngân sách nhà nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng theo hình thức thu
tiền một lần để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khác trên địa bàn. Ủy ban nhân
dân thành phố xây dựng Đề án báo cáo Bộ Xây dựng thống nhất bằng văn bản trước
khi tổ chức thực hiện.
Điều 8. Về quỹ dự trữ tài chính
1. Các nguồn thành lập quỹ dự trữ tài chính, mức
trích và số dư của quỹ, thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP
ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật ngân sách nhà nước.
2. Ủy ban nhân dân thành phố được phép tạm ứng từ
quỹ dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan
trọng, cấp bách, ưu tiên phục vụ cho phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi
khí hậu thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố, trong kế hoạch đầu tư công
trung hạn nhưng chưa bố trí hoặc bố trí chưa đủ vốn. Thời gian tạm ứng không
quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng. Mức sử dụng quỹ dự trữ tài chính thành phố
trong năm (bao gồm số tạm ứng và số chi thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định)
tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ.
Điều 9. Về thẩm quyền chấp thuận
đầu tư đối với các dự án đầu tư khu đô thị mới
Ủy quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ quyết
định chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới có quy
mô từ 100 ha đến dưới 200 ha phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đất. Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất ý kiến với Bộ Xây dựng
trước khi phê duyệt quyết định chấp thuận đầu tư.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10
tháng 10 năm 2018.
2. Bãi bỏ Quyết định số 42/2006/QĐ-TTg ngày 16
tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách
ưu đãi đối với thành phố.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Những nội dung khác về đầu tư, tài chính, ngân
sách và phân cấp quản lý không quy định tại Nghị định này, thực hiện theo quy định
hiện hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban
nhân dân thành phố chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2). XH
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
PHỤ LỤC
DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ
45-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
(Kèm theo Nghị định số 103/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ)
A. DỰ ÁN DO TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
I. DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành Trường Đại học
trọng điểm quốc gia theo hướng đa ngành.
II. DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN SAU NĂM 2020
1. Đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc.
2. Tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho -
Cần Thơ.
3. Đường vào khu công nghiệp phía Nam và cảng Cái
Cui (giai đoạn II đoạn từ Ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui).
4. Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 đoạn từ Km0 - Km7.
5. Bệnh viện Công an thành phố Cần Thơ.
B. DỰ ÁN DO THÀNH PHỐ CẦN THƠ
QUẢN LÝ
I. DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Kè chống sạt lở chợ rạch Cam.
2. Kè chống sạt lở bờ kênh Thốt Nốt (đoạn từ nhà
văn hóa cũ đến rạch Trà Cui).
3. Kè chống sạt lở khu vực rạch Cái Sơn và sông Cái
Răng Bé.
4. Nâng cấp, mở rộng đường Huỳnh Phan Hộ.
5. Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thông.
6. Tuyến đường lộ hậu Kênh Thạnh Đông nối Mù U - Bến
Bạ.
7. Đường Vành đai sân bay Cần Thơ kết nối đường Lê
Hồng Phong đến quốc lộ 91B.
8. Nạo vét, nâng cấp hệ thống kênh tạo nguồn, giữ
ngọt, kiểm soát mặn tuyến Thắng Lợi 1 - Bốn Tổng.
9. Xây dựng các hệ thống cấp nước sạch nông thôn
trên địa bàn để phòng chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó biến đổi
khí hậu.
10. Nâng cấp, mở rộng Trung tâm Bảo trợ xã hội
thành phố Cần Thơ.
11. Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia của
thành phố Cần Thơ.
12. Bệnh viện Ung Bướu (500 giường).
13. Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả
năng thích ứng của đô thị.
14. Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó với biến đổi khí hậu
thành phố Cần Thơ.
15. Đường tỉnh 922 (Xây dựng và nâng cấp giai đoạn
1 từ quốc lộ 91B đến Cờ Đỏ).
II. DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN SAU NĂM 2020
1. Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn từ Mỹ Khánh đến
Phong Điền).
2. Xây dựng và nâng cấp đường tỉnh 922 giai đoạn 1,
thành phố Cần Thơ (đoạn từ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn đến thị trấn Thới
Lai, huyện Thới Lai).
3. Đường tỉnh 920 (đoạn từ nhà máy Nhiệt điện Ô Môn
- ĐT 920B).
4. Nâng cấp và mở rộng đường tỉnh 926.
5. Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ (Cơ sở 2).
6. Nâng cấp Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ.
7. Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ (Cơ sở 2).
8. Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật Cần Thơ.
9. Khu hành chính tập trung thành phố Cần Thơ.
10. Nâng cấp mở rộng, xây dựng đường tỉnh 923.
11. Đường tỉnh 918.
12. Đường tỉnh 917.
13. Cầu qua cù lao Tân Lộc (kết hợp khu du lịch
sinh thái cù lao Tân Lộc).
14. Tuyến nối quốc lộ 91 với đường Nam Sông Hậu
(giai đoạn 1).
15. Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ (200 giường).