Kế hoạch 413/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2022

Số hiệu 413/KH-UBND
Ngày ban hành 14/02/2022
Ngày có hiệu lực 14/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Văn Phong
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 413/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 14 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH NĂM 2022

Căn cứ Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 1771/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện Công văn số 52/BCT-TMĐT ngày 05 tháng 01 năm 2022 của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý và phối hợp triển khai các hoạt động thương mại điện tử trong năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2022 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn, tuyên truyền nhận thức về thương mại điện tử, thúc đẩy tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; khuyến khích ưu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của cơ quản quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử.

2. Yêu cầu

- Phát huy tiềm năng, lợi thế, điều kiện thực tế của địa phương để phát triển thương mại điện tử phù hợp với yêu cầu, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm của người sản xuất và doanh nghiệp tỉnh trong xu thế hội nhập kinh tế số.

- Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ phát triển thương mại điện tử có trọng tâm, trọng điểm; tập trung chủ yếu vào hoạt động hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, các sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thế mạnh của địa phương. Huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh đầu tư hạ tầng thương mại điện tử, phát triển nguồn nhân lực đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong thời kỳ công nghiệp 4.0.

II. Nội dung thực hiện

1. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm hỗ trợ ứng dụng hiệu quả khi tham gia kinh doanh trên môi trường mạng; tuân thủ chấp hành các quy định pháp luật trong thương mại điện tử; đào tạo đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện tử của tỉnh nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến.

2. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử ngành Công Thương và trên một số sàn thương mại điện tử uy tín trong nước và thế giới do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức triển khai.

3. Triển khai các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh mua bán, dịch vụ; tăng cường công tác quản lý thuế trong thương mại điện tử. Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để cải tiến mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

4. Đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính; triển khai thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

5. Duy trì và vận hành sàn thương mại điện tử ngành Công Thương; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối, tiêu thụ hàng hóa trên sàn thương mại điện tử ngành Công Thương; thường xuyên cung cấp thông tin trên sàn về tình hình thị trường, sản phẩm hàng hóa, các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.

6. Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại các doanh nghiệp, các chuỗi cửa hàng kinh doanh tiện lợi, các đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

7. Phối hợp các đơn vị liên quan trong quản lý cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghĩa vụ đăng ký/thông báo theo quy định của Bộ Công Thương.

8. Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.

III. Kinh phí thực hiện

1. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch, gồm: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn doanh nghiệp và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện nội dung thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh được giao tại Kế hoạch; các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động cân đối bố trí kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong dự toán của năm 2022.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương

- Là cơ quan thường trực, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai việc thực hiện; phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương và các đơn vị khác có liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Kế hoạch.

- Chủ động phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương triển khai Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia năm 2022 được Bộ Công Thương phê duyệt; phối hợp triển khai đề án đến các doanh nghiệp theo đề án được duyệt.

- Phối hợp với đơn vị chuyên môn về đào tạo thương mại điện tử của Bộ Công Thương tổ chức 01 lớp tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và cán bộ quản lý về lĩnh vực thương mại điện tử,..

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh có các sản phẩm OCOP cấp tỉnh; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh để đăng ký tham gia các chương trình do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức triển khai và trên sàn thương mại điện tử ngành Công Thương.

[...]