Kế hoạch 3811/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 3811/KH-UBND
Ngày ban hành 08/04/2019
Ngày có hiệu lực 08/04/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Hòa Hiệp
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3811/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 08 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU Y TẾ - DÂN SỐ GIAI ĐOẠN 2019 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Thực hiện Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:

Phần I

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH Y TẾ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ NĂM 2016 - 2018

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Đồng Nai triển khai 04 Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế gồm: Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) y tế, Chương trình MTQG phòng chống HIV/AIDS, Chương trình MTQG an toàn vệ sinh thực phẩm và Chương trình MTQG Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Với nguồn kinh phí từ chương trình MTQG, các chương trình được triển khai có hiệu quả, kiểm soát tốt các bệnh dịch, không để các dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn, các chỉ số sức khỏe có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực, hầu hết các chương trình đều đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả cụ thể theo từng chương trình như sau:

1. Chương trình MTQG y tế

a) Phòng chống bệnh sốt rét: Triển khai giám sát dịch tễ và côn trùng tại các xã trọng điểm. Từ năm 2011 đến 2015, không có bệnh nhân sốt rét ác tính, không có trường hợp tử vong, không có dịch sốt rét xảy ra trên địa bàn tỉnh.

b) Tiêm chủng mở rộng: Duy trì giám sát tiêm chủng mở rộng hàng tháng tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; đảm bảo an toàn trong tiêm chủng; không xảy ra trường hợp tai biến, sai sót trong tiêm chủng. Kết quả trong các năm, tỷ lệ trẻ em < 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi mũi 2, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đều đạt trên 95%.

c) Phòng, chống bệnh lao: Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức khám phát hiện bệnh nhân lao tại cộng đồng, xét nghiệm phát hiện và điều trị bệnh nhân lao mới; kết quả đạt các mục tiêu, chỉ tiêu được giao. Tổng số bệnh nhân lao các thể thu nhận trong 05 năm từ 2011 - 2015 là 3.397 trường hợp, tỷ lệ các trường hợp lao được điều trị khỏi đạt trên 90%.

d) Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng: Duy trì tốt công tác phòng chống bệnh tâm thần tại các xã, phường, thị trấn. Tổ chức khám phát hiện bệnh nhân tâm thần mới, điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Đến 2015, chương trình đang quản lý, cấp thuốc điều trị cho 2.074 bệnh nhân tâm thần và động kinh tại cộng đồng.

đ) Chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em: Tăng cường các hoạt động chăm sóc sức khỏe trẻ em; hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em và ngày vi chất dinh dưỡng hàng năm. Kết quả uống vitamin A hàng năm: 100% số trẻ 6 - 36 tháng tuổi và trên 95% bà mẹ đẻ trong tháng đầu được bổ sung vitamin A. Tỷ lệ trẻ em < 02 tuổi được theo dõi biểu đồ tăng trưởng hàng tháng đạt > 98%; tỷ lệ trẻ < 05 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi giảm nhanh và liên tục qua các năm: từ 12% năm 2011 xuống 9,3% năm 2015. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai từ 03 lần trở lên trong 3 thời kỳ thai nghén đạt > 95% ; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 100%;

e) Các dự án: Phòng chống ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản, sốt xuất huyết, quân dân y, tăng cường năng lực truyền thông, giám sát được triển khai đúng tiến độ, đạt và vượt mục tiêu được giao trong giai đoạn 2011 - 2015.

2. Chương trình MTQG phòng chống HIV/AIDS

a) Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng, theo dõi giám sát dịch trên địa bàn, can thiệp giảm tác hại cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, điều trị thuốc kháng vi rút cho bệnh nhân AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, điều trị nghiện thuốc phiện bằng Methadone.

b) Kết quả trong giai đoạn đều đạt và vượt mục tiêu: Khống chế tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư < 0,3%; 75,8% đối tượng có hành vi nguy cơ cao được tư vấn xét nghiệm HIV; 96,6 người nghiện, chích ma túy sử dụng bơm kim tiêm sạch; 93,7% người bán dâm sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục; 70% người lớn nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc ARV được tiếp cận với dịch vụ điều trị bằng thuốc ARV; 100% cán bộ bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được tiếp cận điều trị dự phòng bằng thuốc ARV; 98% phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV.

3. Chương trình mục tiêu Quốc gia an toàn vệ sinh thực phẩm

a) Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động truyền thông được tăng cường, chú trọng về hình thức và nội dung thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo...; công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP đã được đẩy mạnh, đặc biệt trong các đợt trọng điểm như tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP và tết Trung thu, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về ATTP. Ngoài ra, các đoàn giám sát ATTP đã tổ chức bảo đảm ATTP cho nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra các sự cố về ATTP; các mô hình điểm về ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể được triển khai có hiệu quả.

b) Kết quả, trong giai đoạn 2011 - 2015 có 85,6% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu điều kiện vệ sinh ATTP (kế hoạch giai đoạn 85%); tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trên 100.000 dân được báo cáo ở mức 6,63 trường hợp; 99,1% cơ sở thực phẩm do tuyến tỉnh quản lý và 84,5% cơ sở thực phẩm thuộc ngành y tế quản lý được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

4. Chương trình MTQG dân số và kế hoạch hóa gia đình

a) Công tác Dân số - KHHGĐ bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ. Mỗi năm tổ chức 02 đợt chiến dịch “Truyền thông lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao”; triển khai các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mô hình Tư vấn và khám tiền hôn nhân, Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, Đề án tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Trong các năm qua tốc độ tăng dân số nhanh được khống chế, chất lượng dân số từng bước được nâng cao từ đó góp phần tăng tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

b) Kết quả trong giai đoạn 2011 - 2015: Mức giảm sinh đạt 0,05‰, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 50%, tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh hàng năm được khống chế ở mức 0,4.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH Y TẾ - DÂN SỐ NĂM 2016 - 2018

Từ năm 2016, các chương trình mục tiêu Quốc gia bị cắt giảm, 04 Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2015 không còn, thay vào đó là Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Trong hai năm 2016 - 2018, việc triển khai hoạt động các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số gặp nhiều khó khăn do chưa được bố trí kinh phí hoạt động kịp thời hoặc kinh phí bị cắt giảm. Do đó, quy mô và phạm vi các hoạt động của các chương trình cũng thu hẹp hơn. Về kết quả triển khai, các chỉ tiêu cơ bản do Ủy ban nhân dân tỉnh giao đều đạt so với kế hoạch. Sau đây là một số kết quả nổi bật theo từng dự án:

1. Dự án phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến

a) Trong 03 năm qua, tỉnh đã duy trì tốt công tác giám sát dịch; tổ chức giám sát thường xuyên các trường hợp bệnh truyền nhiễm, chủ động phòng chống các dịch bệnh theo mùa. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và phương tiện phòng chống dịch để ứng phó khi có dịch xảy ra. Kết quả, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Năm 2018 ghi nhận sự diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên, Đồng Nai đã kiểm soát tốt, không để dịch lan rộng, không để xảy ra tử vong do sốt xuất huyết.

b) Công tác phòng, chống bệnh sốt rét: Duy trì hoạt động tẩm màn phòng chống sốt rét, xét nghiệm kí sinh trùng sốt rét và điều trị sốt rét. Kết quả, không có ca sốt rét ác tính, không có trường hợp tử vong, không có dịch sốt rét xảy ra trên địa bàn tỉnh.

[...]