Kế hoạch 381/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 381/KH-UBND
Ngày ban hành 22/02/2023
Ngày có hiệu lực 22/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Trương Hải Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 381/KH-UBND

Gia Lai, ngày 22 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC TIẾP CẬN PHÁP LUẬT CỦA NGƯỜI DÂN” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Triển khai Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (sau đây gọi là Đề án), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Gia Lai với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả Quyết định số 977/QĐ-TTg và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

b) Nghiên cứu, áp dụng các mô hình, giải pháp, cách làm hiệu quả để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.

c) Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

2. Yêu cầu

a) Nhận thức rõ tiếp cận pháp luật không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định pháp luật.

b) Xác định nội dung công việc gắn với trách nhiệm cụ thể của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương (sau đây gọi là cơ quan) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước; tiến độ và kết quả thực hiện.

c) Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả; kết hợp với triển khai các chương trình, đề án, nhiệm vụ khác có liên quan.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện

a) Nội dung: Ban hành văn bản triển khai theo hướng dẫn của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, Bộ Tư pháp và các cơ quan khác có thẩm quyền.

b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp; các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là UBND cấp huyện).

c) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan có liên quan.

d) Thời gian thực hiện: Hàng năm, từ năm 2023 đến năm 2030.

đ) Kết quả: Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn.

2. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân thủ pháp luật của người dân

a) Thường xuyên quán triệt, thông tin, truyền thông về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội; sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân bằng hình thức phù hợp.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND cấp huyện.

- Cơ quan phối hợp: Báo Gia Lai; Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai; các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm, từ năm 2023 đến năm 2030.

- Kết quả: Các chuyên trang, chuyên mục được thiết kế, vận hành; các tin, bài, ảnh, tài liệu pháp luật được biên soạn, biên tập, đăng tải, phát hành.

b) Khảo sát, đánh giá nhu cầu, thực trạng thực hiện, sử dụng pháp luật của người dân; nghiên cứu, xây dựng, triển khai các mô hình, hình thức tiếp cận pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND cấp huyện.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan khác có liên quan.

[...]