Kế hoạch 381/KH-UBND năm 2016 về cải thiện Chỉ số chi phí thời gian thực hiện các quy định của nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 381/KH-UBND
Ngày ban hành 07/09/2016
Ngày có hiệu lực 07/09/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Cao Huy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 381/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 07 tháng 9 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN CHỈ SỐ CHI PHÍ THỜI GIAN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch số 217a/KH-UBND ngày 16/6/2016 của UBND tỉnh về việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Đắk Nông hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Căn cứ kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG

Trong những năm qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để đánh giá, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm xếp hạng chính quyền địa phương trong việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đắk Nông là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã phấn đấu nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và kết quả đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Tuy tình hình kinh tế - xã hội được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn những tồn tại, khó khăn, công tác thu hút đầu tư của tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tạo được động lực để thúc đẩy thu hút đầu tư, kinh doanh. Điều này được thể hiện qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được công bố trong những năm gần đây, cụ thể: năm 2011 đứng thứ: 59/63 tỉnh, thành; năm 2012 đứng thứ: 48/63 tỉnh, thành; năm 2013 đứng thứ: 50/63 tỉnh, thành; năm 2014 đứng thứ: 57/63 tỉnh, thành; năm 2015 đứng thứ: 63/63 tỉnh, thành. Kết quả trên cho thấy tỉnh ta có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm ở nhóm thấp và liên tục bị tụt hạng trên bảng xếp hạng PCI trong cả nước.

Trong các chỉ số thành phần bị giảm điểm thì Chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước năm 2015 giảm 20 bậc so với năm 2014, đứng thứ 57/63 tỉnh, thành. Việc cải thiện Chỉ số chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước trong năm qua của tỉnh còn tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, năng động để làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân, do việc triển khai tuyên truyền, công khai các quy định của pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan Thuế còn chồng chéo, trùng lắp gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp; chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, sự thân thiện và hiệu quả trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp chưa được đặt lên hàng đầu; công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh tuy được cải thiện nhưng vẫn rườm rà; việc niêm yết, công khai thủ tục hành chính và các mức phí, lệ phí chưa được thực hiện tốt; công tác tiếp nhận, giải quyết các phản ánh kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp chưa kịp thời, nhanh chóng và kết quả giải quyết các kiến nghị chưa cao; sự phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành, các cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và các địa phương trong thực hiện giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác dẫn đến Chỉ số chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước do người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thực hiện cải cách hành chính; sự phối hợp để triển khai đồng bộ các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn trùng lắp, phân công trách nhiệm thực hiện chưa rõ ràng.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì việc cải thiện Chỉ số chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước là một nội dung quan trọng cần được đẩy mạnh triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Rút ngắn thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan; nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai cải thiện chỉ số chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước.

- Góp phần cải thiện môi nường đầu tư, kinh doanh và tăng cường thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, cải thiện điểm số và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

b) Mục tiêu cụ thể

- Hàng năm, phấn đấu 100% các văn bản quy định mới của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp được đăng tải trên Website của các cơ quan, đơn vị và thông tin, tuyên truyền đến các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

- Tổ chức phối hợp liên ngành, bảo đảm 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước không chồng chéo, gây khó khăn, phiền hà cho các doanh nghiệp. Mỗi năm chỉ thực hiện 01 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp (trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các quy định của cấp trên).

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành của cán bộ, công chức, viên chức; mức độ hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước đạt trên 80% vào năm 2020.

- Từ năm 2016 trở đi, 100% các khoản phí, mức phí, lệ phí liên quan đến thủ tục hành chính của các tổ chức, doanh nghiệp được công khai, niêm yết rõ ràng tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Hàng năm, tiến hành rà soát, thay thế, bãi bỏ các bộ thủ tục hành chính rườm rà, không còn phù hợp và công bố mới các Bộ thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, đúng tiến độ; 100% bộ thủ tục hành chính công bố mới được kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật; phấn đấu đến năm 2020, cắt giảm khoảng 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, xây dựng so với quy định.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các nhiệm vụ nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước: Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đến hết năm 2017, 90% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ít nhất mức độ 3, thí điểm một số dịch vụ công mức độ 4; phấn đấu đến hết năm 2020, triển khai 100% các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp; khoảng 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tại mức độ 4.

- Hàng năm, phấn đấu có khoảng 95% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng; 90% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng; trên 90% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội; tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 20%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 10%.

- Xây dựng, triển khai mô hình Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông, 100% cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh thường xuyên sử dụng hộp thư công vụ; trên 80% văn bản của UBND tỉnh, các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã được trao đổi dưới dạng điện tử.

- Từ năm 2017, tiếp tục triển khai thực hiện mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại Sở, Ban, ngành và UBND cấp xã nhằm hỗ trợ thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; phấn đấu đến năm 2020, cơ bản triển khai đồng bộ mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại các cấp trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Quán triệt, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo cải thiện Chỉ số chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước; đẩy nhanh, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa các quy định của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh, không để việc tham mưu, triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh chậm.

- Các cấp, các ngành của tỉnh cần nâng cao nhận thức về Chỉ số thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước để xây dựng cơ chế thông thoáng, đồng bộ, hiệu quả trong việc triển khai các quy định của Trung ương một cách kịp thời, hiệu quả.

- Đẩy mạnh việc cải thiện, nâng cao Chỉ số chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước gắn với các nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

[...]
11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ