Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 38/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 38/KH-UBND
Ngày ban hành 22/04/2013
Ngày có hiệu lực 22/04/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Lê Văn Trúc
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/KH-UBND

Phú Yên, ngày 22 tháng 4 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 6 (KHÓA XI) VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, TẠO NỀN TẢNG ĐỂ ĐẾN NĂM 2020 NƯỚC TA CƠ BẢN THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI

Thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 05/4/2013 của Tỉnh ủy về “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”; Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất trong năm 2013. Khẩn trương hoàn thành việc đo đạc chính quy, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tiên tiến, hiện đại; kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; phấn đấu hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai toàn Tỉnh vào năm 2015, đến năm 2020 thực hiện việc tra cứu thông tin đất đai bằng hệ thống điện tử, thực hiện một số thủ tục hành chính qua mạng Internet.

3. Thể chế đồng bộ hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về đất đai của địa phương theo thẩm quyền phù hợp với pháp luật đất đai, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, phục vụ mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

4. Quản lý chặt chẽ tài nguyên đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và pháp luật; bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả. Khắc phục tình trạng buông lỏng và lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm và ngăn chặn không để phát sinh vụ việc vi phạm mới trong quản lý, sử dụng đất. Từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp theo quy định của pháp luật.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về đất đai

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho cán bộ, công chức viên chức học tập, quán triệt sâu rộng Nghị Quyết số 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 05/4/2013 của Tỉnh ủy.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Báo Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên và các cơ quan thông tin có liên quan đóng trên địa bàn Tỉnh đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật đất đai bằng nhiều hình thức như: hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, phát hành tài liệu hỏi đáp, tờ rơi tuyên truyền về quản lý, sử dụng đất đai, hỏi đáp thông qua cổng thông tin điện tử; xây dựng, nâng cao chất lượng các chuyên mục tài nguyên và môi trường trên báo viết, báo hình, báo điện tử; phát huy vai trò của hệ thống đài truyền thanh và tủ sách pháp luật ở cơ sở.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức tốt việc tham gia góp ý kiến và triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được Quốc hội ban hành.

2. Tăng cường sự chỉ đạo quản lý của các cấp chính quyền thực hiện tốt chính sách pháp luật về đất đai

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai; đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; khẩn trương rà soát đánh giá tình hình quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, xác định rõ những tồn tại hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và những giải pháp khắc phục. Kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; khai thác có hiệu quả và quản lý chặt chẽ đất đai trên địa bàn.

3. Tổ chức triển khai, thực hiện đầy đủ, thể chế hóa kịp thời các chính sách, pháp luật về đất đai

3.1. Quy hoạch sử dụng đất:

- Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp Tỉnh ngay sau khi được Chính phủ xét duyệt, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các huyện, thị xã, thành phố làm cơ sở thẩm định và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã theo quy định;

- Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp mình để trình cấp có thẩm quyền xét duyệt, bảo đảm cơ bản hoàn tất trong năm 2013;

- Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp được cấp có thẩm quyền xét duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp mình theo quy định;

- Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị có liên quan căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, làm định hướng cho các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; xác định rõ nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn làm cơ sở để xây dựng, bố trí hợp lý nhu cầu đất đai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; xây dựng phương án triển khai thực hiện phù hợp với chỉ tiêu, tiến độ sử dụng đất được phân bổ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở từng cấp; làm căn cứ để Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Việc sử dụng đất trồng lúa, nhất là đất trồng lúa 02 vụ, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải đảm bảo chặt chẽ, hết sức tiết kiệm khi phải chuyển mục đích sử dụng đất.

3.2. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất:

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thống nhất hướng dẫn các thủ tục về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định về hạn mức giao đất, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dụng quy định điều kiện để nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư, đưa đất vào sử dụng đúng tiến độ trình UBND tỉnh ban hành trong năm 2013 làm cơ sở để xem xét thẩm định chấp thuận chủ trương, thẩm định dự án đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư có đủ kinh nghiệm, năng lực; hạn chế thấp nhất tình trạng đầu tư đất, sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích hoặc chậm đưa đất vào sử dụng;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện phương án rà soát đất lâm nghiệp của các ban quản lý rừng bàn giao cho địa phương để lập phương án sử dụng đất hiệu quả hơn. Quan tâm quỹ đất nông nghiệp, lâm nghiệp để bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số ổn định sản xuất, phát triển kinh tế; đồng thời có quy định để quản lý chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 134/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 và Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Chính phủ, không để dẫn đến việc chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp;

- Trong năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 16/6/2003 về Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh để có phương án tổ chức lại các nông, lâm trường, có cơ chế, chính sách để bảo đảm sử dụng đất lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái;

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan xây dựng quy định về phối hợp trong quản lý, kiểm tra, xử lý các dự án đầu tư chậm triển khai, không sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; định kỳ 6 tháng một lần (từ khi có quyết định giao đất, cho thuê đất) phối hợp kiểm tra báo cáo UBND tỉnh việc thực hiện quy định về đất đai của các dự án đầu tư;

- Trung tâm phát triển quỹ đất cấp Tỉnh, cấp huyện căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm các cấp được xét duyệt, chủ động xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền thu hồi đất, quản lý quỹ đất theo kế hoạch để thực hiện giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất;

[...]