ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3796/KH-UBND
|
Bình Thuận, ngày
04 tháng 10 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 105/NQ-CP NGÀY 15/7/2023
CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH
DOANH, TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, SIẾT CHẶT KỶ LUẬT, KỶ
CƯƠNG
Thực hiện Nghị quyết số
105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó
khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết
chặt kỷ luật, kỷ cương, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể
như sau:
I. QUAN ĐIỂM,
ĐỊNH HƯỚNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
1. Quán triệt, chấp hành
nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nghị quyết, kết
luận của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ và các nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, các chỉ đạo của
Ủy ban nhân dân tỉnh; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của các cấp,
các ngành.
2. Nỗ lực, quyết tâm hành động
cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với tình hình; tranh thủ thời cơ, huy
động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu, đầu
tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, khu vực có vốn đầu
tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư công, gắn với chuyển đổi số, thúc đẩy các
ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo
động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
3. Tập trung ưu tiên thúc đẩy
tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai
kịp thời các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí,
tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp, người dân, nhất là doanh nghiệp
nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng bền vững.
4. Chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật,
kỷ cương trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện gắn với đẩy mạnh
phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền
lực; khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; đẩy mạnh cắt
giảm, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
5. Nắm chắc tình hình, phản ứng
chính sách kịp thời, hiệu quả. Triển khai nhanh, tiếp tục tổ chức linh hoạt, hiệu
quả các giải pháp, chính sách đã ban hành, theo dõi chặt chẽ tình hình triển
khai thực hiện để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế nhằm hỗ trợ tối đa
cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Tăng cường thông tin truyền thông, củng cố niềm
tin thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân.
6. Nêu cao tinh thần tự lực, tự
cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả
hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội gắn với đẩy mạnh thực hiện các
nhiệm vụ trọng tâm, 03 khâu đột phá đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng
bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025; ưu tiên phát triển kinh tế số, kinh tế
xanh, kinh tế tuần hoàn,...; phát triển bền vững, nâng cao năng lực nội tại,
quy mô nền kinh tế của tỉnh gắn với chú trọng công tác bảo vệ môi trường và
thích ứng biến đổi khí hậu.
II. MỤC TIÊU
1. Tiết giảm chi phí, tăng khả năng
tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi
nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất kết quả tăng trưởng
kinh tế, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 mà Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân
tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra[1].
2. Quyết liệt thực hiện các nhiệm
vụ, giải pháp cải cách hành chính, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, cải cách thủ tục
hành chính một cách thực chất. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm
cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; từng bước xử lý cơ bản các khó
khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, dự án đầu tư, người dân, nhất là những
vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm.
3. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ
cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, điều
hành của hệ thống hành chính, từng cấp, ngành, địa phương.
III. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Thúc đẩy
tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu:
a) Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn
vị thuộc Bộ Công Thương để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh
các quy định xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản thế mạnh
của tỉnh. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bảo đảm ổn định, bền vững, hiệu quả;
linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì, củng
cố các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, tiềm năng.
- Đẩy mạnh triển khai các
chương trình xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản
phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh;
các chương trình, đưa hàng Việt về nông thôn, các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận
động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,…
- Tăng cường thông tin, tuyên
truyền đến các hội, hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa
bàn tỉnh về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết. Kịp
thời thông tin, cảnh báo, chủ động hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện
phòng vệ thương mại, các tiêu chuẩn, kỹ thuật mới của nước đối tác xuất khẩu.
Chủ động phương án xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục,
cung cấp hồ sơ, thông tin đáp ứng các quy định mới của nước đối tác.
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thành công các hoạt
động còn lại trong Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Đẩy mạnh
các hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là các hình thức xúc tiến mới,
thông qua các đoàn làm phim quốc tế và trong nước, cá nhân có số lượng người
theo dõi lớn trên các nền tảng mạng xã hội,... để giới thiệu, quảng bá các điểm
du lịch, sản phẩm du lịch; tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật, thể
thao, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch; tăng cường liên kết, phát triển các
sản phẩm du lịch mới, chất lượng.
c) Cục Quản lý thị trường tỉnh
Bình Thuận phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương và các
sở, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc niêm yết giá và
bán theo giá niêm yết đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống trên địa
bàn tỉnh.
2. Đẩy mạnh
giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước,
doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực
công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường,
tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:
- Chủ động theo dõi, tham mưu Tổ
công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp,
nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
- Tập trung hoàn thiện, trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn
đến năm 2050 và tham mưu tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh
sau Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Thường xuyên theo dõi, tổng hợp
các khó khăn, vướng mắc, kết quả giải quyết, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo
cáo Thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng
hạ tầng và xuất nhập khẩu theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ
tướng Chính phủ.
- Tăng cường theo dõi, đôn đốc
các chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và
phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu tỷ lệ
giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch được
Thủ tướng Chính phủ giao; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm gắn với
trách nhiệm của các chủ đầu tư. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trách nhiệm
đối với các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả
các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thu hút các nhà đầu
tư chiến lược, các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đầu tư vào Bình Thuận, làm
đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện
thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai dự án. Kiên quyết tham mưu chấm dứt hoạt
động đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các dự án không triển khai, chậm
triển khai hoặc triển khai không đúng mục đích, mục tiêu của dự án, gây lãng
phí tài nguyên đất đai.
b) Sở Xây dựng công bố giá các
loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền và quy định của
pháp luật; phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát,
quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng; thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến
thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng theo
quy định của pháp luật và nhiệm vụ được giao tại Quy chế phối hợp thực hiện
công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Ban hành kèm theo Quyết định số
01/2021/QĐ-UBND ngày 04/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với các đơn vị có liên quan tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng
các cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Tăng cường xúc tiến đầu
tư, thu hút nha đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng bên trong cụm
công nghiệp; thu hút cac nha đầu tư thứ cấp theo hướng ưu tiên cac dự an sản xuất
sản phẩm gia trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.
d) Ban Quản lý các khu công
nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo,
đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng
kỹ thuật khu công nghiệp; tăng cường thu hút, xúc tiến đầu tư các dự án thứ cấp
vào khu công nghiệp.
đ) Ban QLDA ĐTXD công trình
giao thông tỉnh, Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, Ban
QLDA ĐTXD các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đẩy nhanh hơn nữa
tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng trên địa bàn tỉnh[2].
e) Sở Tài nguyên và Môi trường
chủ trì phối hợp cùng với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố:
- Đẩy nhanh công tác xác định
giá đất cụ thể, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng
mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm, chiến lược của tỉnh, nhất là công
trình giao thông, khu công nghiệp, du lịch, bất động sản,… hướng dẫn các chủ đầu
tư trong việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định hồ sơ thuê đất, thẩm định
ĐTM, làm cơ sở các chủ đầu tư lập thủ tục đầu tư và giao đất, cho thuê đất theo
quy định.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Sở Công Thương triển khai có hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy
sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng nguồn tài nguyên, năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư, các ngành liên quan căn cứ các quy hoạch đã được phê duyệt, rà soát, tạo quỹ
đất sạch để lập danh mục và phương án đấu giá đất nhằm kêu gọi đầu tư các dự
án, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh (như: Bất động sản,
du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo,…); đồng
thời, thường xuyên rà soát, tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất của các dự án chậm
triển khai đầu tư theo đúng quy định.
g) Các sở, ban, ngành, Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Tập trung quyết liệt giải
ngân vốn đầu tư công, vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,
03 Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng
đối tượng.
- Tiếp tục hỗ trợ, đôn đốc các
doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là đối với các dự án
thuộc lĩnh vực bất động sản, du lịch; các dự án công nghiệp, dự án năng lượng,
đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Triển khai thực hiện tốt
các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp nông
thôn. Triệt để xử lý các dự án “treo”, dự án chậm tiến độ. Tập trung thực hiện
công tác giải phóng mặt bằng, chú ý bảo đảm lợi ích của người dân trong bồi thường,
hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, tránh để xảy ra khiếu kiện, phát sinh
thành điểm nóng về an ninh, trật tự.
3. Hỗ trợ
dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người
dân:
a) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh
Bình Thuận căn cứ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tình hình thực tế
của tỉnh:
- Chỉ đạo các ngân hàng thương
mại đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng, gói tài chính tiêu
dùng, bảo đảm an toàn, đúng đối tượng theo quy định. Triển khai kịp thời, hiệu
quả các giải pháp tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất
kinh doanh và các động lực tăng trưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người
dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai các biện pháp tăng cường chất
lượng tín dụng, thúc đẩy xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, bảo đảm an toàn
hệ thống các tổ chức tín dụng; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh
(nếu có) trong triển khai thực hiện.
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng
trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn
ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, chương trình
tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo,
xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, chương
trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, thực hiện giải
pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp
khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
- Vận động, khuyến khích các tổ
chức tín dụng trên địa bàn tỉnh rà soát, cắt, giảm thủ tục hành chính, các loại
phí không cần thiết, các loại phí dịch vụ ngân hàng nhất là liên quan đến hoạt
động xuất khẩu theo hướng tiết giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Tiếp
tục hỗ trợ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển và quảng bá dịch
vụ thanh toán trực tuyến trên các thiết bị di động, ngân hàng số.
b) Cục Thuế tỉnh Bình Thuận tiếp
tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng đến
toàn thể người nộp thuế và thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách gia hạn,
miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt, ban hành; chủ động, tích cực giải quyết các hồ sơ đề nghị hoàn thuế
giá trị gia tăng đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân doanh
nghiệp theo quy định pháp luật và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
c) Sở Tài chính phối hợp với
các cơ quan quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách của tỉnh tổng hợp,
báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tài chính, kế hoạch tài chính năm sau và
quyết toán thu, chi gửi Ủy ban nhân dân tỉnh để báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
cùng với báo cáo dự toán và quyết toán ngân sách địa phương; phối hợp giải
trình Hội đồng nhân dân cùng cấp khi có yêu cầu.
d) Các cơ quan quản lý quỹ tài
chính ngoài ngân sách của tỉnh khai thác và sử dụng hiệu quả các quỹ tài chính
nhà nước ngoài ngân sách được giao quản lý.
4. Đẩy mạnh
cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh:
a) Sở Nội vụ chủ trì, triển
khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung cải thiện
các chỉ số PAR, PAPI, SIPAS. Tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực
hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
b) Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
tăng cường theo dõi tình hình thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính của
các sở, ban, ngành, địa phương; chủ động đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương
rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các quy định về điều kiện
kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà
nước được giao trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt.
- Chủ động cải cách, cắt giảm,
đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với việc triển khai Đề án 06 và Chương
trình chuyển đổi số quốc gia; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận
thức tạo đồng thuận trong việc triển khai.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả
các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực
cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); triển khai thực hiện đánh giá Bộ chỉ số năng lực cạnh
tranh cấp sở, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố (DDCI).
d) Thanh tra tỉnh thực hiện tốt
nhiệm vụ hướng dẫn, điều phối và phối hợp rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra
của các sở, ban, ngành, địa phương (kể cả các ngành dọc đóng chân trên địa bàn
tỉnh), đảm bảo hạn chế, giảm tối đa tình trạng trùng lắp, chồng chéo trong hoạt
động thanh tra, kiểm tra.
đ) Thủ trưởng các cơ quan thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Tăng cường rà soát, cắt giảm,
đơn giản hóa các thủ tục hành chính một cách thực chất, tham mưu cấp có thẩm
quyền (thông qua Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh) phê duyệt theo quy định; trong
quý III và năm 2023, tập trung ưu tiên cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ
tục về đầu tư, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính
trong các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như
xây dựng, bất động sản, thuế, hải quan, điện, năng lượng, sản xuất, chế biến
nông sản, xuất nhập khẩu, giáo dục, đào tạo, y tế, lý lịch tư pháp...
- Tuyệt đối không ban hành quy
định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh mới làm phát sinh
chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho doanh nghiệp,
người dân.
- Giám sát chặt chẽ việc triển
khai giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục
hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm đúng
thời hạn xử lý theo quy định; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố,
công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ,
gây phiền hà.
5. Siết chặt
kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành;
kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết
công việc:
a) Thủ trưởng các cơ quan thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Tổ chức quán triệt và triển
khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ
quy định về cán bộ dám nghĩ, dám làm. Chấp hành, thực hiện nghiêm chỉ đạo, điều
hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không đùn đẩy, để kéo dài công việc,
làm lỡ thời cơ, cơ hội để tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy
sản xuất kinh doanh, gây lãng phí nguồn lực.
- Tiếp tục thực hiện đầy đủ,
nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số
1713/UBND-NCKSTTHC ngày 18/5/2023 về việc triển khai Công điện số 280/CĐ-TTg ngày
19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ,
quyền hạn được giao; không trình lên cấp trên và chịu trách nhiệm quyết định những
vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật.
- Kịp thời rà soát, thay thế hoặc
điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không
dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu
cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.
b) Sở Nội vụ phối hợp với các
cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thẩm định, tham mưu Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích
xuất sắc trong thi hành công vụ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám
làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của quê hương Bình Thuận[3].
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, các đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố tập trung quán triệt, khẩn trương triển khai kịp thời, có hiệu quả
các nhiệm vụ nêu tại kế hoạch này; chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ủy ban nhân
dân tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại kế hoạch
này; kịp thời đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định những vấn
đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư).
2. Các sở, ban, ngành, địa
phương báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại
kế hoạch này định kỳ trước ngày 10 hằng tháng (hoặc theo yêu cầu đột xuất), gửi
Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo cấp có
thẩm quyền theo quy định.
3. Đài Phát thanh - Truyền hình
Bình Thuận, Báo Bình Thuận chủ động, tích cực thông tin kịp thời, chính xác,
toàn diện về tình hình, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch này của các cấp,
các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội,
hiệp hội ngành nghề, các tổ chức xã hội, các đoàn thể trên địa bàn tỉnh luôn đồng
hành, phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn
doanh nghiệp, người dân ủng hộ, tích cực tham gia thực hiện các giải pháp tháo
gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành
chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh trên các lĩnh vực./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Mặt trận và các đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, TH Hùng.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Đoàn Anh Dũng
|
[1] Quyết định số
18/QĐ-UBND ngày 04/01/2023 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm
2023; Quyết định số 60/QĐ- UBND ngày 09/01/2023 về việc phê duyệt nhiệm vụ chủ
yếu năm 2023 của các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chỉ thị
số 02/CT-UBND ngày 17/01/2023 về việc tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà
nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 176/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 ban
hành Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh ủy
và Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân
sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
năm 2023.
[2] Dự án Hồ chứa
nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam; Dự án Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng
cá Phú Quý (Giai đoạn 2); đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện); đường ĐT.719B
(đoạn Phan Thiết - Kê Gà); đường Hàm Kiệm - Tiến Thành; đường Hòn Lan - Tân Hải;
cầu Văn Thánh; Chung cư sông Cà Ty; Công viên sinh thái ngập mặn; Nhà tang lễ tỉnh;…
[3] Theo Kế hoạch
số 2106/KH-UBND ngày 04/7/2022 của UBND tỉnh về phát động phong trào thi đua
quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát
triển của quê hương Bình Thuận.