Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 3724/KH-UBND năm 2021 về Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 3724/KH-UBND
Ngày ban hành 15/10/2021
Ngày có hiệu lực 15/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3724/KH-UBND

Kon Tum, ngày 15 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC AN TOÀN THÔNG TIN GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025” (Đề án) và các Văn bản liên quan(1); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin (ATTT) mạng nhằm góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh Kon Tum.

- Xác định cụ thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ các nội dung công việc, phân công trách nhiệm thực hiện rõ ràng, cụ thể; chủ động giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

- Thực hiện chất lượng, hiệu quả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn lực ATTT.

- Đổi mới hình thức, hoạt động đào tạo và phát triển nguồn lực ATTT một cách chủ động, hiệu quả nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia bảo đảm an toàn, ATTT mạng và hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

- Khuyến khích huy động các nguồn lực hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đào tạo ngắn hạn về ATTT theo hình thức tập trung, trực tuyến hoặc kết hợp giữa tập trung và trực tuyến về ATTT cho các cơ quan, tổ chức nhà nước; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về ATTT khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này.

a) Nội dung đào tạo bao gồm:

- Quản lý, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý.

- Cập nhật, nâng cao kỹ năng ATTT cho đội ngũ nhân lực, kỹ thuật làm về ATTT và công nghệ thông tin (CNTT) theo chuẩn, khung chương trình, yêu cầu kỹ năng ATTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, hướng dẫn; các chương trình đào tạo theo các chứng chỉ quốc tế và thi lấy chứng chỉ quốc tế.

- Về kiến thức, kỹ năng ATTT của người dùng cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị CNTT.

- Về kiến thức, kỹ thuật ATTT cho đội ngũ nhân lực kỹ thuật ATTT và CNTT của Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh(2), Tổ công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kon Tum(3). Chú trọng các chương trình đào tạo theo chuẩn kỹ năng, khung chương trình, yêu cầu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, hướng dẫn và các chương trình đào tạo theo chứng chỉ quốc tế và thi lấy chứng chỉ quốc tế.

b) Phối hợp với Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống, chương trình, tài liệu để phục vụ kiểm tra, đánh giá năng lực ATTT trong quá trình đào tạo. Lựa chọn một số cán bộ có kết quả học tập tốt để tham gia thi lấy chứng chỉ quốc tế.

2. Lựa chọn cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị đang được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành các hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước để tổ chức đào tạo chuyên sâu và thường xuyên đào tạo, cập nhật về kỹ năng, kỹ thuật ATTT và nghiệp vụ CNTT nâng cao; đào tạo theo hình thức thực tập thực tế, tại chỗ, tổ chức đào tạo ngắn hạn, cập nhật công nghệ, nâng cao kiến thức, kỹ năng ATTT ở nước ngoài.

3. Chuẩn hóa kỹ năng ATTT trong các cơ quan, tổ chức

a) Xây dựng, ban hành quy định chuẩn kỹ năng về ATTT, tiêu chuẩn, tiêu chí, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ ATTT cho cán bộ chuyên trách về ATTT và CNTT nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ATTT trong các cơ quan, tổ chức theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; phối hợp tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá năng lực ATTT đối với cán bộ kỹ thuật, quản lý về ATTT và CNTT trong các cơ quan, tổ chức.

b) Đưa nội dung đào tạo về ATTT vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, xếp hoặc nâng ngạch cho tất cả các vị trí việc làm và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức theo định kỳ trong cơ quan nhà nước theo hướng dẫn của Trung ương.

4. Đào tạo kiến thức, kỹ năng ATTT cho các tổ chức, cá nhân

a) Các tổ chức, đơn vị quản lý, vận hành các hạ tầng thông tin quan trọng như viễn thông, Internet, trung tâm dữ liệu và các hệ thống thông tin quan trọng phải chú trọng và thường xuyên đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ATTT tại chỗ. Ưu tiên tổ chức các khóa đào tạo theo chuẩn kỹ năng, khung chương trình, tiêu chí, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ ATTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và các chương trình đào tạo ATTT theo các chứng chỉ quốc tế và thi lấy chứng chỉ quốc tế.

b) Khuyến khích các doanh nghiệp theo nhu cầu thực tiễn thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo: về kỹ năng, kỹ thuật ATTT cho cán bộ kỹ thuật ATTT, CNTT; về kiến thức quản lý, nghiệp vụ và kỹ năng ATTT cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý; về kiến thức, kỹ năng ATTT của người dùng cho các cán bộ, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị CNTT khi làm việc trong các cơ quan, tổ chức.

(Chi tiết nhiệm vụ tại Phụ lục kèm theo)

[...]