Kế hoạch 3723/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 3723/KH-UBND
Ngày ban hành 27/10/2023
Ngày có hiệu lực 27/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3723/KH-UBND

Kon Tum, ngày 27 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung:

- Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái.

- Triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, trách nhiệm; hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học.

- Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã; kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm việc nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã không ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học và sức khỏe con người.

- Xử lý nghiêm các hành vi khai thác, đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm. Đảm bảo 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về đa dạng sinh học được tiếp nhận, thụ lý; tỷ lệ giải quyết đạt 90% trở lên; 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về đa dạng sinh học được khởi tố, điều tra theo quy định pháp luật.

- 100% cán bộ chuyên trách thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học đều được đào tạo, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu. Xây dựng, củng cố đội ngũ giám định viên, cán bộ làm công tác định giá trong lĩnh vực đa dạng sinh học đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, truy tố, xét xử.

- Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết, nhất là xây dựng hệ thống kiểm định, phân tích, xử lý thông tin phục vụ công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học.

3. Yêu cầu: Việc triển khai thực hiện phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, động vật hoang dã, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; loài bị đe dọa, loài đặc hữu và nguồn gen.

2. Đối tượng: Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh có hoạt động liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, sử dụng hệ sinh thái, loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; loài bị đe dọa, loài đặc hữu và nguồn gen.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân về quy định pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học:

- Tổ chức quán triệt, phổ biến và tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức biết, triển khai thực hiện theo đúng quy định[1].

- Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bảo vệ đa dạng sinh học; tập trung đấu tranh, phê phán mạnh mẽ các hành vi gây tác động xấu đến môi trường thiên nhiên, bài trừ thói quen, sở thích sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm trang sức, thực phẩm, thuốc chữa bệnh... Công khai thông tin về kết quả xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan; tôn vinh các gương điển hình, mô hình tiên tiến về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho các lực lượng chức năng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

2. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học, chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định còn bất cập, không phù hợp gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

3. Tăng cường phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học:

- Chủ động rà soát, nắm chắc tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến đa dạng sinh học trên các địa bàn, tuyến, lĩnh vực trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn vi phạm.

- Triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học, tập trung triệt phá các đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia. Thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

- Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học và triển khai các kế hoạch, phương án đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật.

[...]