Kế hoạch 2070/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 1623/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 2070/KH-UBND
Ngày ban hành 12/10/2023
Ngày có hiệu lực 12/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Đoàn Ngọc Lâm
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2070/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 12 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1623/QĐ-TTG NGÀY 27/12/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (sau đây gọi là Quyết định 1623/QĐ-TTg), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định 1623/QĐ-TTg nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học, đưa nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái, hệ động vật, thực vật, nguồn gen... trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, sở, ban, ngành và UBND các cấp.

- Cụ thể hoá các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1623/QĐ-TTg, bảo đảm tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Phân công, xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các đơn vị, cấp, ngành, lực lượng trong đấu tranh PCTP và vi phạm pháp luật (VPPL) về bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTP và VPPL về bảo vệ môi trường của các lực lượng chuyên trách, tạo tính răn đe, cảnh báo đối với các đối tượng có biểu hiện, điều kiện hoạt động phạm tội, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, chủ động dự báo sớm và giải quyết các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm trong lĩnh vực đa dạng sinh học.

2. Yêu cầu

- Quá trình triển khai thực hiện phải tuân thủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, phường, thị trấn.

- Việc triển khai thực hiện phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và tình hình thực tiễn tại từng địa bàn để tổ chức thực hiện cho phù hợp, tránh sự chồng chéo, trùng lặp.

- Trong quá trình thực hiện các sở, Ban, ngành, UBND các cấp phải thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đề ra trong Kế hoạch. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để tập hợp.

II. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu chung

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động số 78/KH-UBND ngày 17/01/2023 của UBND tỉnh Quảng Bình về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, hệ động vật, thực vật, nguồn gen...

- Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về PCTP và các hành vi VPPL có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả và phù hợp với các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

- Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội và VPPL có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác PCTP và các hành vi VPPL có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.

- Tiếp tục mở rộng hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế nhằm huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác PCTP và các hành vi VPPL có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã, nhất là các loài động vật, thực vật hoang dã nhóm IA, IIA, IB, IIB thuộc Phụ lục I - Công ước CITES. Chú trọng đối tượng tuyên truyền là người dân ở khu bảo tồn, người dân sinh sống tại khu vùng đệm của vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước trong, vùng đất ngập nước, tuyến di cư và điểm đến của các loài chim hoang dã. Đưa chuyên đề bảo vệ đa dạng sinh học thành hoạt động truyền thông thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và giáo dục tại các nhà trường.

- Nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đa dạng sinh học, trong đó phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan thực thi pháp luật, bảo đảm thống nhất trong công tác PCTP và các hành vi VPPL có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.

- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã; kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm việc nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã không ảnh hưởng xâu tới đa dạng sinh học và sức khỏe con người; xử lý nghiêm hành vi khai thác, đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm. Đảm bảo tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm về đa dạng sinh học, kiến nghị khởi tố đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%; 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về đa dạng sinh học phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật. Nâng cao tỷ lệ xử lý đối với các hành vi gây tác động xấu tới đa dạng sinh học, đảm bảo tính răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

- Phấn đấu 100% cán bộ chuyên trách trực tiếp thực hiện công tác PCTP và các hành vi VPPL có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học được đào tạo, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu. Xây dựng, củng cố đội ngũ giám định viên và cán bộ làm công tác định giá trong lĩnh vực này đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu PCTP và các hành vi VPPL có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật cần thiết phục vụ công tác PCTP và các hành vi VPPL có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kiểm định, phân tích, xử lý thông tin hiện đại phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra tội phạm và các hành vi VPPL có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.

- Duy trì và mở rộng hợp tác quốc tế, chủ động, tích cực thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học. Ưu tiên hợp tác với các quốc gia có chung đường biên giới về PCTP và các hành vi VPPL có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Thiết lập đầu mối trao đổi, phối hợp thông tin tại các quốc gia được xác định có hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã về Việt Nam và các quốc gia khác.

III. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA KẾ HOẠCH

[...]