Kế hoạch 362/KH-UBND năm 2022 triển khai rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 362/KH-UBND
Ngày ban hành 25/01/2022
Ngày có hiệu lực 25/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 362/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 25 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI RÀ SOÁT, SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP HỌC VÀ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”;

Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025;

Căn cứ Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường mầm non;

Căn cứ Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường tiểu học;

Căn cứ Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học;

Căn cứ Công văn số 3043/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/7/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đôn đốc thực hiện tinh giản biên chế ngành Giáo dục;

Căn cứ Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông;

Căn cứ Chương trình hành động 181-CTr/TU ngày 21/2/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp;

Thực hiện Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy số 364-TB/TU ngày 26/11/2021 về kết quả kiểm tra, tự kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện Kế hoạch 92-KH/TU, Chương trình số 181-CTr/TU ngày 21/02/2018 của Tỉnh ủy;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. PHẠM VI, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phạm vi và thời điểm

- Phạm vi: Thực hiện rà soát, sắp xếp lại trường, lớp và đội ngũ giáo viên thuộc các cấp học hệ công lập từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Thực hiện đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập;

- Thời điểm: Mốc thời điểm là tháng 01 năm 2022.

2. Mục đích

a) Phát huy kết quả đạt được, rút đúc kinh nghiệm của giai đoạn 2017-2020 để triển khai thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tới;

b) Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân; sau khi rà soát, sắp xếp là cơ sở để ưu tiên trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo;

c) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp chính quyền và sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự chuyển biến rõ nét, đồng bộ và toàn diện về chất lượng, hiệu quả cho phát triển giáo dục và đào tạo;

d) Việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên phải phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển giáo dục tại mỗi địa phương và đảm bảo đúng quy định của Nhà nước; phải đáp ứng yêu cầu học tập của con em và yêu cầu phát triển giáo dục của tỉnh trong tương lai;

đ) Xác định đúng nhu cầu biên chế, cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục nằm trong lộ trình sắp xếp;

e) Nắm chắc về trình độ, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo để tổ chức đào tạo, đào tạo lại (kể cả về lý luận chính trị), bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn,… nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018;

g) Nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục và đào tạo, tránh sự lãng phí trong sử dụng tài sản công, trong sử dụng nguồn nhân lực;

h) Thực hiện sáp nhập đối với những trường có quy mô nhỏ, đủ điều kiện về cơ sở vật chất (CSVC), thuận lợi về khoảng cách giữa các điểm trường; giảm các điểm trường lẻ gần điểm trường chính, chỉ duy trì những điểm trường lẻ do quá xa trường chính, giao thông đi lại khó khăn, địa hình cách trở, dân cư không tập trung; không thành lập mới các điểm trường lẻ;

i) Chuyển tối đa học sinh tại các điểm lẻ về trường chính (khuyến khích đưa 100% về trường chính); trong trường hợp, không thể chuyển hết học sinh từ các điểm trường lẻ về trường chính thì xây dựng phương án chuyển (dồn) dần điểm lẻ vào điểm trường lẻ để giảm bớt điểm trường lẻ, manh mún nhằm triển khai đầy đủ theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học, giảm dần khoảng cách về chất lượng đào tạo giữa các vùng, miền, trong tỉnh; củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả các cấp học.

[...]