Kế hoạch 36/KH-UBND thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" năm 2024

Số hiệu 36/KH-UBND
Ngày ban hành 02/02/2024
Ngày có hiệu lực 02/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Tráng Thị Xuân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/KH-UBND

Sơn La, ngày 02 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY, ĐÀO TẠO NGHỀ GẮN VỚI GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, HỖ TRỢ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” NĂM 2024

Thực hiện Quyết định số 1736/QĐ-UBND ngày 08/9/2023 của UBND tỉnh Sơn La ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 20/TTr-SLĐTBXH ngày 19/01/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền, việc thực hiện của các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực tham gia công tác phòng, chống ma túy; trọng tâm triển khai, thực hiện kịp thời, có hiệu quả Chương trình của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 297, UBND tỉnh về phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 - 2025.

- Tổ chức thực hiện Quyết định số 1736/QĐ-UBND ngày 08/9/2023 của UBND tỉnh ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1736) với các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành.

- Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; hỗ trợ gắn với giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội sau cai nghiện; phòng, chống tái nghiện; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm, phân loại thi đua đối với tập thể, cá nhân kết quả thực hiện.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

- Tổ chức thực hiện quán triệt, triển khai có hiệu quả Chương trình của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” gắn với Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy”.

- Xác định rõ vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành; huy động sức mạnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống ma túy; thường xuyên rà soát, đánh giá đề xuất bổ sung, sửa đổi, xây dựng chính sách hỗ trợ về phòng, chống ma túy, bảo đảm đúng quy định, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác tuyên truyền

- Đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa về công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức các buổi tuyên truyền, diễn đàn về phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy, trong đó chú trọng đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị lôi kéo như: học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, nơi tập trung nhiều người lao động; tổ chức truyền thông về phòng chống ma túy, phòng chống tái nghiện bằng hình thức sân khấu hóa. Biên soạn, in ấn phát hành tờ rơi, pa nô tuyên truyền phù hợp với từng loại đối tượng.

3. Nâng cao công tác chính trị tư tưởng, năng lực cho đội ngũ viên chức, người lao động làm công tác cai nghiện ma túy

- Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, chính trị tư tưởng, nắm bắt, quan tâm động viên kịp thời tâm tư nguyện vọng của viên chức, người lao động. Sắp xếp, bố trí viên chức, người lao động làm việc bảo đảm phù hợp với năng lực vị trí việc làm, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công tác của từng người.

- Bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; đào tạo cơ bản và nâng cao cho cán bộ làm công tác quản lý, điều trị cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy, tại cộng đồng và gia đình nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn theo các quy định hiện hành.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã trực tiếp làm công tác lập hồ sơ cai nghiện, gồm cán bộ y tế, công an, Lao động - Thương binh và Xã hội; tập huấn, cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận về xác định tình trạng nghiện ma túy và điều trị cắt cơn nghiện cho các cán bộ y tế tại các trạm y tế, bệnh viện, cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn.

- Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương có hệ thống mạng lưới cơ sở cai nghiện đồng bộ, có mô hình hoạt động hiệu quả và quản lý sau cai.

4. Nâng cao chất lượng công tác cai nghiện ma túy

- Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trên địa bàn đảm bảo công tác an ninh, trật tự tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh, nhằm ngăn chặn các đối tượng bên ngoài thâm nhập thẩm lậu ma túy vào Cơ sở, tránh hiện tượng học viên có hành vi gây rối, mất trật tự, mất an toàn và bỏ trốn.

- Thực hiện khám, xây dựng bệnh án đối với người cai nghiện ma túy, các dấu hiệu rối loạn tâm thần, bệnh cơ hội. Xác định loại, liều lượng ma túy người nghiện sử dụng để xây dựng phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc theo hướng dẫn và phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

- Tổ chức dạy văn hóa, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách, học tập các chuyên đề: giáo dục công dân, sức khỏe và cộng đồng, pháp luật, đạo đức, truyền thống dân tộc và chuyên đề phù hợp khác với số lượng, trình độ học vấn người cai nghiện.

- Tổ chức các hoạt động lao động trị liệu, các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, học nghề cho học viên đang chữa trị cai nghiện ma túy tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở.

- Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cai nghiện; Xác định nơi cư trú của người cai nghiện để chuẩn bị thực hiện biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy; tư vấn các biện pháp phòng, chống tái nghiện cho người nghiện cai nghiện ma túy; kỹ năng từ chối sử dụng ma túy khi tái hòa nhập cộng đồng. Hướng dẫn người cai nghiện ma túy xây dựng kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng.

5. Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho người sau cai nghiện ma túy

- Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, gắn với công tác học nghề cho người sau cai nghiện ma túy với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hoặc làm nông nghiệp trong các hợp tác xã. Tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho học viên sắp hết thời gian chữa trị, cai nghiện tại Cơ sở.

- Phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt khó khăn; tăng cường dạy nghề theo hình thức kèm cặp, cầm tay chỉ việc, truyền nghề tại các làng nghề, doanh nghiệp và hợp tác xã, gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả sau đào tạo, trong đó ưu tiên cho người lao động đã hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy.

[...]