Kế hoạch 36/KH-UBND năm 2015 thực hiện Luật Căn cước công dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu 36/KH-UBND
Ngày ban hành 30/06/2015
Ngày có hiệu lực 30/06/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Trần Hồng Quân
Lĩnh vực Quyền dân sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/KH-UBND

Cà Mau, ngày 30 tháng 06 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 02/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước công dân; Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện Luật Căn cước công dân.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

- Thực hiện tốt quy định trao đổi, cung cấp thông tin về công dân phục vụ cho việc quản lý dân cư, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội và giao dịch của công dân; kiện toàn tổ chức, biên chế bảo đảm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về căn cước công dân trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện Luật Căn cước công dân.

- Trong quá trình tổ chức thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện Luật Căn cước công dân.

II. NỘI DUNG

1. Phổ biến pháp luật về căn cước công dân

1.1. Tổ chức phổ biến Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành với nội dung và các hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, nhất là người trực tiếp làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

1.2. Phân công thực hiện:

- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các báo cáo viên pháp luật và lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân.

- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trong tỉnh dành thời lượng phù hợp phổ biến Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau có trách nhiệm tổ chức phổ biến Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thuộc phạm vi quản lý; xây dựng kế hoạch, mở các đợt cao điểm phổ biến pháp luật về căn cước công dân sâu rộng trong nhân dân.

1.3. Thời gian thực hiện: Năm 2015 và các năm tiếp theo.

2. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

2.1. Công an tỉnh phối hợp Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an tổ chức tập huấn, tập huấn chuyên sâu pháp luật về căn cước công dân, bồi dưỡng nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức phục vụ nhân dân, yêu cầu cải cách hành chính, chống quan liêu, gây phiền hà trong công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân cho cán bộ, chiến sĩ Công an trong tỉnh trực tiếp làm công tác quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

2.2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho cán bộ lãnh đạo và người trực tiếp làm công tác quản lý căn cước công dân ở địa phương mình.

2.3. Thời gian thực hiện: Năm 2015 và các năm tiếp theo.

3. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để thi hành Luật Căn cước công dân

3.1. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và các văn bản có liên quan đến công tác quản lý căn cước công dân, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ những nội dung trái với quy định của Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3.2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2015 - 2016.

4. Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý căn cước công dân

4.1. Công an tỉnh tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, tiếp dân; bố trí nơi tiếp công dân thuận tiện, bảo đảm việc thực hiện quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được công khai, minh bạch.

[...]