Kế hoạch 3473/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2030 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 3473/KH-UBND
Ngày ban hành 21/08/2023
Ngày có hiệu lực 21/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3473/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 21 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THANH NIÊN VIỆT NAM NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 960/QĐ-LĐTBXH ngày 20/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên và xã hội về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nguồn nhân lực trẻ phát triển toàn diện, có phẩm chất chính trị, giàu lòng yêu nước, đồng thời phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong thực hiện các chủ trương, chính sách về việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

- Tạo bước chuyển biến về số lượng và chất lượng công tác tư vấn học nghề, dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn tạo việc làm có thu nhập ổn định cho thanh niên; giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên, góp phần ổn định đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của địa phương đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát huy vai trò, trách nhiệm của công chức, viên chức thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

2. Yêu cầu:

- Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về thanh niên trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội.

- Thường xuyên kiểm tra các hoạt động của các cơ quan báo chí, rà soát nội dung cổng thông tin; đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng thế hệ thanh niên công chức, viên chức, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, góp phần xây dựng nguồn nhân lực trẻ phát triển toàn diện, có phẩm chất chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thanh niên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nắm kiến thức chung về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; quan tâm, bồi dưỡng, xây dựng quy hoạch, bố trí và trọng dụng tài năng trẻ; từng bước hình thành đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ, giỏi; quan tâm hỗ trợ, có chế độ, chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công chức thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Đào tạo, phát triển thanh niên là học sinh, sinh viên (HSSV) các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại và hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động và phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Mục tiêu 1: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên.

Hằng năm, 100% thanh niên là công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị trực thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (thanh niên ngành) được tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hằng năm, 100% thanh niên là HSSV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được trang bị kiến thức về quốc phòng an ninh.

Đến năm 2030, phấn đấu trên 70% thanh niên là HSSV cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật thông qua các ứng dụng pháp luật trực tuyến, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng.

2.2. Mục tiêu 2: Giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo.

Hằng năm, 100% thanh niên là HSSV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng mềm.

Đến năm 2030, tăng 15% thanh niên là HSSV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống; tăng 15% số công trình khoa học và công nghệ do HSSV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì (so với năm 2020).

2.3. Mục tiêu 3: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hằng năm 100% HSSV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% sinh viên các trường Cao đẳng nghề được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.

Hằng năm 30% số ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên là HSSV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% thanh niên ngành được tư vấn hướng nghiệp và việc làm; 60% thanh niên được đào tạo nghề gắn với việc làm, ưu tiên việc làm tại chỗ.

[...]