Kế hoạch 34/KH-UBND năm 2023 tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 34/KH-UBND
Ngày ban hành 24/02/2023
Ngày có hiệu lực 24/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Mạnh Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 24 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ, HIỆN ĐẠI; THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ”

Thực hiện Quyết định số 1478/QĐ-TTg ngày 28/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”,

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đời sống xã hội.

b) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng bảo đảm đúng và vượt tiến độ, an toàn, đúng quy định của pháp luật; bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong triển khai thực hiện.

c) Thông qua Phong trào thi đua, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, biện pháp, giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, phù hợp với chức năng, điều kiện thực tế của tỉnh, cơ quan, đơn vị và việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lãng phí trên tất cả các lĩnh vực.

d) Khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển, xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân; tự lực, tự cường, khai thác tối đa mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

b) Phong trào thi đua phải được triển khai với nội dung thiết thực, hình thức phong phú, sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở nhằm huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, sức lao động và tài nguyên, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII.

c) Thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện Phong trào thi đua, định kỳ sơ kết, tổng kết, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong Phong trào thi đua.

d) Việc công nhận, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong Phong trào thi đua phải thực chất, công khai, minh bạch, khách quan tạo động lực thúc đẩy Phong trào thi đua phát triển.

II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

1. Thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng

- Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, ổn định, bình đẳng, công khai, minh bạch, tạo đột phá theo phương châm: Chính sách phải phục vụ sự phát triển, tạo điều kiện cho phát triển.

- Thi đua huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng (nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ODA, ngân sách địa phương và tích cực huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên đầu tư, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm) trên cơ sở bảo đảm hiệu quả, chất lượng, cân bằng lợi ích của các chủ thể.

- Thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành đúng tiến độ hoặc vượt kế hoạch, bảo đảm chất lượng các dự án, công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh như: Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đến trung tâm huyện Yên Sơn; Dự án Làng văn hóa du lịch và phát huy giá trị lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện suối khoáng Mỹ Lâm, Trường Trung học phổ thông Chuyên; quy hoạch, mở rộng Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang và các dự án trọng điểm khác...

- Thi đua nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị của nhà nước, đặc biệt là trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, giám sát, vận hành, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực làm công tác xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng.

- Thi đua nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng, khai thác và quản lý các công trình kết cấu hạ tầng để nâng cao hiệu quả lao động, rút ngắn thời gian thực hiện, tiết kiệm tài nguyên và nguồn nhân lực, sử dụng nguyên vật liệu có tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường.

- Thi đua vận động nhân dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng tại cộng đồng dân cư; tích cực tham gia giải phóng mặt bằng, hiến đất, vật liệu; chung sức làm đường giao thông nông thôn, tham gia xây dựng các công trình phúc lợi tại xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Đặc biệt, chấp hành tốt việc tham gia giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng tại địa bàn cư trú; bố trí các khu tái định cư bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi chuyển đến nơi ở mới.

2. Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

- Thi đua tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong triển khai nhiệm vụ, dự án, đề án. Thực hiện đúng dự toán ngân sách nhà nước được Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

- Thi đua đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo ra năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 95% kế hoạch Trung ương giao.

- Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí nhà nước; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong từng lĩnh vực để khôi phục và phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

- Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, xây dựng, quản lý sử dụng tài sản nhà nước, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng, định mức , tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

[...]