Kế hoạch 16/KH-UBND năm 2023 về tổ chức Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Số hiệu 16/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2023
Ngày có hiệu lực 11/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Trần Sỹ Thanh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/KH-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC PHONG TRÀO THI ĐUA “ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ, HIỆN ĐẠI; THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Thực hiện Quyết định số 1478/QĐ-TTg ngày 28/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025); Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/20201 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch tổ chức Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trên địa bàn Thành phố (sau đây gọi tắt là Phong trào thi đua), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát huy truyền thống của Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; Tạo khí thế thi đua sôi nổi, huy động sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô cùng chung sức, đồng lòng trong việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của Thủ đô đồng bộ, hiện đại. Xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô; đảm bảo mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.

- Khơi dậy mạnh mẽ khát vọng xây dựng phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ Thành phố.

- Tổ chức phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan toả; huy động mạnh mẽ các nguồn lực, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, với các dự án hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn.

2. Yêu cầu

- Phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt từ Thành phố đến cơ sở, trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, người dân hưởng ứng tham gia đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện phong trào thi đua. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, các mô hình tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện phong trào thi đua.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA

1. Đối tượng thi đua

a) Tập thể:

- Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các quận, huyện, thị xã, các đơn vị có liên quan thuộc Thành phố (gọi chung là cơ quan, đơn vị).

- Các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ chức kinh tế đăng ký và hoạt động trên địa bàn Thành phố (gọi chung là doanh nghiệp).

- Các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ban, ngành đóng trên địa bàn Thành phố.

b) Cá nhân:

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các tập thể trên.

- Cá nhân liên quan tham gia hoạt động, đóng góp, ủng hộ phong trào.

2. Nội dung Phong trào thi đua

2.1. Thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

- Thi đua thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thành sớm, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án trọng điểm; các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật; các công trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; tạo sự đột phá, các dự án tạo nền tảng tiếp cận và nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hạ tầng số. Hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, tạo lập không gian kiến trúc, cảnh quan đặc sắc của Thủ đô.

- Thi đua huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư kết cấu hạ tầng; chỉnh trang và phát triển đô thị, thu hút đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước đối với các dự án, công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở đảm bảo hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể.

- Thi đua nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực làm công tác quản lý, xây dựng, vận hành, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng; nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị nhà nước, đảm bảo thực hiện tốt chức năng chủ đầu tư, chủ sở hữu nhà nước đối với các dự án kết cấu hạ tầng.

- Thi đua nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng, khai thác và quản lý các công trình kết cấu hạ tầng để nâng cao hiệu quả lao động, rút ngắn thời gian thực hiện, tiết kiệm tài nguyên và nguồn nhân lực, sử dụng nguyên vật liệu có tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường.

- Thi đua thực hiện công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng tại cộng đồng dân cư; tích cực tham gia giải phóng mặt bằng, hiến đất, vật liệu; chung sức làm đường giao thông nông thôn, tham gia xây dựng các công trình phúc lợi tại xã, phường, tổ dân phố. Đặc biệt chấp hành tốt việc tham gia giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng tại địa bàn cư trú.

[...]