Kế hoạch 334/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU về việc tăng cường hiệu quả, chất lượng quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 334/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 334/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 14-CT/TU NGÀY 10/12/2021 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ, CHẤT LƯỢNG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường hiệu quả, chất lượng quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường hiệu quả, chất lượng quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến các cấp, các ngành, các Ban quản lý dự án và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để các cấp, ngành của tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra tại Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Yêu cầu

- Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tuyên truyền sâu, rộng về Luật Đầu tư công, các quy định liên quan, Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường hiệu quả, chất lượng quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh;

Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm; tham mưu, đề xuất, tổ chức, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội, Kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội của tỉnh, phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, các cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của tỉnh, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; đồng thời quan tâm, chú trọng các dự án phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người dân.

- Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả chất lượng không đảm bảo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh.

- Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư công. Tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 và kế hoạch đầu tư công hằng năm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm phối hợp công tác chặt chẽ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về trình tự, thủ tục của dự án đầu tư công để thống nhất áp dụng trên địa bàn, loại bỏ các thủ tục không cần thiết do cấp địa phương tự đặt ra; tham mưu ban hành quy trình về kiểm soát chất lượng, nội dung cho từng bước, từng thủ tục đầu tư để hạn chế tối đa các sai sót (thời gian thực hiện trong quý I/2022).

- Tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phân rõ cơ cấu vốn đầu tư công cấp tỉnh cho các ngành, lĩnh vực, từ đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực quản lý. Quy định rõ trong thời hạn chuẩn bị dự án để điều tiết, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho phù hợp. Tổng hợp tiến độ thực hiện, báo cáo định kỳ 01 tháng/lần trước ngày mùng 10 của tháng tiếp theo.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án,... xây dựng trình UBND tỉnh ban hành danh mục dự án chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu cơ chế quyết định ban hành danh mục dự án đồng thời là quyết định phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để rút ngắn thời gian, tránh làm theo từng dự án, đảm bảo có tính tổng thể, đồng bộ.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh thành lập hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư của cấp tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công, tập trung các cán bộ có chuyên môn tốt để tập trung thẩm định sớm phê duyệt được chủ trương đầu tư toàn bộ các dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và trong năm 2022, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 01/3/2022.

- Yêu cầu nâng cao và chịu trách nhiệm về chất lượng trong công tác thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đảm bảo theo quy định; đề xuất nâng cao hạn mức đấu thầu xây lắp qua mạng.

- Đổi mới, nâng cao và chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng lập kế hoạch vốn, giao vốn theo hướng sát với thực tế, phù hợp với tiến độ và khả năng hấp thụ vốn của từng dự án. Đổi mới quy trình quản lý, phân bổ vốn theo hướng tập trung một đầu mối; phấn đấu nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung được giao vốn trước ngày 31 tháng 12 của năm trước năm kế hoạch, nguồn vốn phát sinh trong năm được giao vốn trước ngày 31 tháng 3 của năm kế hoạch.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án,... rà soát tình hình thực hiện từng dự án, phân loại các vướng mắc để có giải pháp giải quyết, tháo gỡ; tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch, tiến độ triển khai, tiến độ giải ngân chi tiết cho từng dự án. Định kỳ tổ chức các hội nghị giao ban về đầu tư xây dựng, kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng các tiêu chí thống kê, đánh giá năng lực của các nhà thầu để khuyến cáo cho các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh khi tổ chức lựa chọn thầu, quản lý hợp đồng.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này; định kỳ 3 tháng, hằng năm (chậm nhất ngày 20 của tháng cuối quý) hoàn thành việc xây dựng Dự thảo Báo cáo của UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Sở Xây dựng:

- Đề xuất UBND tỉnh phân cấp, ủy quyền theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền, nhất là các thủ tục liên quan thẩm định và phê duyệt đầu tư dự án, thiết kế xây dựng,... Có cơ chế phù hợp để cấp huyện chủ động hơn trong việc thẩm định dự án, thiết kế đối với các dự án do cấp mình quản lý.

- Tập trung tăng cường và chịu trách nhiệm về chất lượng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế - dự toán.

- Chủ trì phối hợp với các sở xây dựng chuyên ngành khác (Sở Giao thông vận tải; Sở Công thương; Sở Nông nghiệp &PTNT) rà soát, đánh giá kết quả quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công, các dự án lớn trong giai đoạn 2016-2020 của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để làm cơ sở xem xét khi giao nhiệm vụ chủ đầu tư, quản lý các dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Trực tiếp rà soát, đánh giá kết quả quản lý, chất lượng thực hiện các dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực: xây dựng dân dụng; xây dựng khu nhà ở; xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu chức năng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đường bộ trong đô thị... (các dự án thuộc chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành xây dựng).

[...]