Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 33/KH-UBND thực hiện Đề án 06-ĐA/TU năm 2022 - Lĩnh vực Khoa học và Công nghệ do tỉnh Lào Cai ban hành

Số hiệu 33/KH-UBND
Ngày ban hành 25/01/2022
Ngày có hiệu lực 25/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Giàng Thị Dung
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/KH-UBND

Lào Cai, ngày 25 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN SỐ 06-ĐA/TU NGÀY 11/12/2020 CỦA TỈNH ỦY LÀO CAI NĂM 2022 - LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về “đổi mới, phát triển nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện - Nguồn nhân lực - Khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025”;

Triển khai Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 08/03/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai, về đổi mới, phát triển nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện - Nguồn nhân lực - Khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai năm 2022 - Lĩnh vực khoa học và công nghệ, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chú trọng ứng dụng, chuyển giao công nghệ là chính để phục vụ phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; tập trung vào ứng dụng trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, giáo dục, y tế …; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tổ chức và quản lý nhà nước về KH&CN, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Thực hiện 54 đề tài/dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN. Trong đó: 39 đề tài/dự án nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh (chuyển tiếp 20 đề tài/dự án, duyệt mới 19 đề tài/dự án); 11 dự án chính sách (chuyển tiếp: 01 dự án, duyệt mới dự kiến 10 dự án); 04 dự án thuộc Chương trình nông thôn Miền núi chuyển tiếp.

- Đánh giá trình độ và năng lực công nghệ đối với 10 doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh;

- Xây dựng, quản lý và vận hành Trang thông tin điện tử Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Lào Cai.

- Hỗ trợ bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về sản phẩm hàng hóa của người sản xuất và doanh nghiệp qua đó làm tăng giá trị, uy tín, chất lượng sản phẩm hàng hóa của địa phương góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

3. Nhiệm vụ chủ yếu

3.1. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh

* Lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT: Tập trung nghiên cứu xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chăm sóc và chế biến các loại cây trồng, vật nuôi, các loài thủy sản và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tại địa bàn các Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, trong đó:

- Nghiên cứu về sản phẩm chủ lực là cây dược liệu (Bảy lá một hoa, Atiso, tam thất, xuyên khung, cà gai leo, giổi ăn hạt, sâm bố chính, mộc hương và độc hoạt..); bình vôi, trà hoa vàng.

- Nghiên cứu sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ thân thiện môi trường, liên kết sản xuất gắn với chế biến sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm và nông nghiệp khác, bao gồm: Nghiên cứu, chọn tạo giống lúa lai mới có năng suất, chất lượng cao; Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Ngạnh; Nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý môi trường nước ao nuôi kết hợp biện pháp thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản; Ứng dụng hệ thống lọc tuần hoàn RAS để xây dựng quy trình kỹ thuật trong nuôi cá hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phân bón hữu cơ sinh học và hữu cơ khoáng, tổ chức sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chuỗi giá trị mận Tả Van; Nghiên cứu, tuyển chọn các giống lúa chất lượng gạo ngon theo hướng thảo dược tại tỉnh Lào Cai; Ứng dụng công nghệ xử lý thủy nhiệt nâng cao khả năng dán dính gỗ Quế (Cinnamomum verum) đáp ứng yêu cầu sản xuất ván ghép thanh tại Lào Cai; Nghiên cứu sử dụng dược liệu bản địa khô (bã gấc, tỏi, nghệ, quế, atiso) làm thức ăn bổ sung nhằm nâng cao năng suất và chất lượng trứng của gia cầm nuôi trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất, chế biến một số sản phẩm từ cây dược liệu hoài sơn tại tỉnh Lào Cai, phục vụ cho người bệnh tiểu đường, béo phì; Nghiên cứu hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ cho cây Lê VH6 và cây Xoài Đài Loan tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai; Điều tra phân bố, xác định vùng gây trồng và xây dựng mô hình nhân giống, gây trồng phát triển cây Trà hoa vàng (Camellia sp.) tại tỉnh Lào Cai; Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển liên kết chuỗi giá trị cây ăn quả ôn đới và chuỗi giá trị cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Biện pháp khắc phục hiện tượng ra quả cách năm trên cây Mận địa phương (mận Tả Van).

- Nghiên cứu trồng các loài cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao: Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai; Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống cây gỗ quý Hoàng đàn (Cupressus tolulosa D.Don) và xây dựng mô hình làm giàu rừng hướng đến bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại VQG Hoàng Liên.

* Lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và các lĩnh vực khác:

- Văn hóa xã hội: Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động “mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong giai đoạn mới; Nghiên cứu xây dựng một số mô hình khởi nghiệp cho thanh niên tỉnh Lào Cai; Nghiên cứu phát triển dịch vụ logistics 3 hỗ trợ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh Lào Cai; Giải pháp nâng cao công tác diễn tập khu vực phòng thủ các cấp và ứng dụng trong phòng, chống thảm họa dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong tình hình mới; Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn các xã vùng cao của tỉnh Lào Cai; Đề xuất giải pháp nâng cao vai trò và chất lượng cán bộ quân sự cấp xã của tỉnh Lào Cai đáp ứng yêu cầu công tác quốc phòng, quân sự ở cơ sở trong tình hình mới; Giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng về cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể tại tỉnh Lào Cai.

- Giáo dục đào tạo: Nghiên cứu xây dựng nội dung giáo dục STEM/STEAM cho học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở tỉnh Lào Cai; thực trạng và giải pháp làm quen sớm với đọc, viết và toán ở trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai.

- Y tế: Nghiên cứu thực trạng bệnh nhân chết não, xây dựng quy trình lấy tạng từ người cho chết não và tổ chức ghép thận tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai; Đánh giá thực trạng mắc tim bẩm sinh ở thai nhi 16-23 tuần, trẻ em từ 2 tháng đến 5 tuổi và hiệu quả ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật siêu âm chẩn đoán sớm các bệnh lý tim mạch ở trẻ em tại tỉnh Lào Cai.

- Bảo vệ môi trường và khác: Nghiên cứu, xây dựng giải pháp khai thác bền vững nguồn nước karst đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Lập bản đồ phân bố và đánh giá tiềm năng nước ngầm toàn thị xã Sa Pa cấp nước ổn định lâu dài cho thị xã chống biến đổi khí hậu.

3. 2. Hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

3.2.1. Xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp

a) Thu thập thông tin, số liệu. Lựa chọn mẫu doanh nghiệp đại diện cho ngành, lĩnh vực sản xuất:

- Lựa chọn mẫu doanh nghiệp đại diện cho ngành, lĩnh vực sản xuất: Tổ chức tập huấn điều tra thu thập thông tin, số liệu, sử dụng phần mềm đánh giá (nếu có), xử lý số liệu (chuẩn hóa số liệu), báo cáo kết quả đánh giá (tính toán và báo cáo) cho các thành viên tham gia.

- Tổ chức điều tra thu thập số liệu tại doanh nghiệp: Thực hiện đánh giá trình độ và năng lực công nghệ tại các doanh nghiệp và hướng dẫn cung cấp, thu thập thông tin, số liệu; sử dụng phần mềm đánh giá đối với điều tra trực tiếp tại doanh nghiệp (nếu có); đánh giá thông báo lại kết quả thu thập số liệu cho doanh nghiệp sau khi kết thúc khảo sát thu thập thông tin.

[...]