Kế hoạch 100/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện - Nguồn nhân lực - Khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 100/KH-UBND
Ngày ban hành 08/03/2021
Ngày có hiệu lực 08/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Giàng Thị Dung
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/KH-UBND

Lào Cai, ngày 08 tháng 03 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN SỐ 06-ĐA/TU NGÀY 11/12/2020 CỦA TỈNH ỦY LÀO CAI VỀ ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN - NGUỒN NHÂN LỰC - KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 11/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai về việc ban hành 18 Đề án trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025;

Triển khai Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện - Nguồn nhân lực - Khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Triển khai hiệu quả các mục tiêu của Đề án; xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; phân công nhiệm vụ triển khai, tổ chức thực hiện Đề án.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo - nguồn nhân lực - khoa học công nghệ.

- Hoàn thành và phấn đấu vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Yêu cầu

- Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ và các cấp, các ngành chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án theo chức năng nhiệm vụ và phân công; đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong quá trình thực hiện.

- Việc thực hiện Đề án cần có sự kế thừa, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án đang và sẽ triển khai trên địa bàn. Khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương cùng với sự đầu tư của Nhà nước; chú trọng huy động nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Đề án.

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai kế hoạch thực hiện Đề án.

- Thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo và công tác sơ kết, tổng kết.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Một số chỉ tiêu chính phấn đấu đến năm 2025:

1.1. Giáo dục và Đào tạo:

(1) Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD) và xóa mù chữ (XMC) ở 100% xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt từ 99,8% trở lên; trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9% trở lên, trẻ em từ 6-14 tuổi đạt 99,8% trở lên; có ít nhất 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) học lên trung học phổ thông (THPT) và giáo dục thường xuyên (GDTX), trong đó từ 10-15% học GDTX và học nghề, số còn lại đi học trung học chuyên nghiệp (THCN), học nghề và tham gia lao động; 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục phổ thông và tương đương; 72% trường học đạt chuẩn quốc gia; 12% trường chất lượng cao, 01 cơ sở giáo dục quốc tế.

(2) 100% học sinh từ lớp 3 trở lên được học Tin học, Ngoại ngữ; trên 90% giáo viên ngoại ngữ được bồi dưỡng đạt chuẩn theo yêu cầu của cấp học; 100% cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý điều hành, dạy và học; tổ chức dạy học trực tuyến; triển khai giáo dục STEM tại 100% trường phổ thông; xây dựng mô hình giáo dục STEM tại 20 trường phổ thông, trong đó có 09 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT).

(3) Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo chất lượng; 100% cán bộ quản lý và trên 90% giáo viên các cơ sở giáo dục có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên (trong đó: Mầm non trên 95%; Tiểu học trên 85%; THCS trên 96% và THPT, GDTX, GDNN 100%) theo quy định tại Luật Giáo dục ngày 14/6/2019.

(4) Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị dạy học, đến năm 2025: 95% trường Mầm non, Tiểu học, THCS, 100% trường THPT có phòng học kiên cố và bán kiên cố; 100% trường Tiểu học, THCS và THPT có đủ phòng học bộ môn, 100% cơ sở giáo dục có đủ thiết bị dạy học tối thiểu, các cơ sở giáo dục mầm non có đủ đồ dùng, đồ chơi; 100% cơ sở giáo dục có đủ thiết bị dạy Tin học, Ngoại ngữ.

1.2. Giáo dục nghề nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:

(1) Giai đoạn 2021-2025, tập trung đào tạo mới, đào tạo nâng cao cho khoảng 58.000 lao động, trong đó tập trung đào tạo các ngành nghề yêu cầu trình độ cao, kỹ thuật công nghệ cao (cao đẳng: 6.450 người; trung cấp: 16.570 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 34.980 người). Tỷ lệ nhân lực trong các ngành đến năm 2025: lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp chiếm khoảng 55,3%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 18,67%; lĩnh vực du lịch - dịch vụ chiếm khoảng 26,03%. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung đến năm 2025 đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt trên 32%.

(2) Xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và hội nhập quốc tế; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh và những ngành nghề thiếu nhân lực; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; đào tạo gắn với sử dụng lao động và đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả cao. Giai đoạn 2021-2025 tập trung đào tạo khoảng 2.000 người, trong đó: Tiến sĩ 50 (ngành giáo dục 17; Y tế 03; Trường Cao đẳng Lào Cai 10; các sở, ngành: 03; các huyện 04; trường quốc tế 03; Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh 10); Thạc sĩ 660 (ngành giáo dục 400); Chuyên khoa 200; tuyển chọn người xuất sắc đi học đại học: 350; học nghề: 740, trong đó: khu vực công là 1.150 người (Tiến sĩ 50; Chuyên khoa II 60; Thạc sĩ 510; Chuyên khoa I 150; Đại học 360; Nghề 60); khu vực tư: 850 người (Thạc sĩ 10, Đại học 110, Nghề 730).

1.3. Khoa học - Công nghệ:

(1) Thực hiện 105 đề tài, dự án, trong đó có 50 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; 50 dự án thuộc chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; 05 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi.

(2) Hình thành 02 cơ sở ươm tạo công nghệ, 05 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; xây dựng sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến; đầu tư và xây dựng trại thực nghiệm vùng cao tại Sa Pa. Hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 10 sản phẩm; hỗ trợ khai thác, phát triển và thương mại hóa 03 tài sản trí tuệ.

(3) Thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh; đánh giá trình độ công nghệ 50 doanh nghiệp và hỗ trợ về công nghệ cho 10 doanh nghiệp.

[...]