Kế hoạch 33/KH-UBND về phòng, chống mại dâm năm 2020 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 33/KH-UBND
Ngày ban hành 06/02/2020
Ngày có hiệu lực 06/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Phạm Văn Thủy
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/KH-UBND

Sơn La, ngày 06 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM NĂM 2020

Thực hiện Thực hiện Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 07/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 23/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2020 với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Tăng cường sự đồng thuận, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận, quyết tâm của toàn xã hội, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh.

2. Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống tệ nạn mại dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai đồng loạt, rộng khắp đến các xã, phường, thị trấn; lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm với tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người.

3. Thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm chứa, môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm; giải quyết triệt để các điểm có dấu hiệu, biểu hiện tổ chức hoạt động mại dâm.

4. Triển khai công tác hỗ trợ về pháp lý, y tế, đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội của người bán dâm, tạo cơ hội giúp họ hòa nhập cộng đồng bền vững; triển khai các chương trình hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho người bán dâm hoàn lương; lồng ghép với các chương trình dạy nghề, tạo việc làm xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

II. CHỈ TIÊU

1. Phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống tệ nạn mại dâm. Các cơ quan truyền thông của tỉnh và huyện, thành phố, định kỳ hàng tháng, quý đăng tải thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

2. Rà soát, thống kê, và đưa vào danh sách quản lý 100%, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện rà soát, thống kê định kỳ 6 tháng và năm.

3. Thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành và phối hợp kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn mại dâm và việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn huyện, thành phố.

4. Triệt xóa 100% các tụ điểm hoạt động mại dâm đã được phát hiện; đấu tranh, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh có biểu hiện liên quan đến tệ nạn mại dâm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Điều tra, truy tố và đưa ra xét xử 100% các vụ án liên quan đến tệ nạn mại dâm.

5. Duy trì 193/204 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; 100% số xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm năm 2020 và các năm tiếp theo. Nghiên cứu, áp dụng các mô hình phòng ngừa mại dâm từ xã, phường, trấn phù hợp với điều kiện của tỉnh.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong công tác phòng, chống mại dâm

1.1. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống tệ nạn mại dâm, tập trung cao cho công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật, chế độ chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước trong công tác phòng, chống mại dâm; chú trọng hình thức truyền thông trực tiếp, lồng ghép truyền thông phòng, chống mại dâm với các chương trình văn hóa, văn nghệ. Áp dụng phương pháp, hình thức truyền thông hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng. Tập trung phối hợp triển khai công tác truyền thông tại các xã, phường, thị trấn, địa bàn có tình hình phức tạp về tệ nạn xã hội, khu vực giáp ranh, các xã biên giới và các khu có điểm tham quan du lịch...;

1.2. Huy động sự tham gia phối hợp, vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng tham gia tư vấn, vận động người dân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng; thông tin, tuyên truyền vận động phòng, chống mại dâm gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

2. Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm

2.1. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mại dâm

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các chương trình, chính sách an sinh xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm.

- Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đưa nhiệm vụ phòng, chống mại dâm vào nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền, thủ trưởng các cơ quan liên quan khi để phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lý. Tăng cường công tác giáo dục, phòng ngừa và kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, có hành vi bao che, dung túng, tham gia hoạt động tệ nạn mại dâm.

- Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống mại dâm giữa các sở, ban, ngành với UBND huyện, thành phố. Đẩy mạnh công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, thông tin, báo cáo. Thường xuyên trao đổi, kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện.

2.2. Tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh phòng, chống mại dâm

- Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng tệ nạn mại dâm trên địa bàn xã, phường, thị trấn, các điểm tham quan, du lịch. Ngăn chặn và xử lý kịp thời những cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động mại dâm, có nguồn tin phát giác, tố giác liên quan đến hoạt động mại dâm.

- Đẩy mạnh công tác điều tra, triệt xóa các hoạt động kinh doanh dịch vụ có liên quan đến tệ nạn mại dâm trên địa bàn toàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ cá nhân, cơ sở kinh doanh có dấu hiệu liên quan đến hoạt động mại dâm, không để phát sinh tệ nạn mại dâm.

- Xét xử nghiêm minh các tội phạm liên quan đến mại dâm, tăng cường xét xử lưu động các vụ án liên quan đến hoạt động môi giới, chứa chấp mại dâm để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.

- Phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng các sản phẩm văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, kích dục.

[...]