Kế hoạch 3193/KH-UBND năm 2023 thực hiện công tác Đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 3193/KH-UBND
Ngày ban hành 22/09/2023
Ngày có hiệu lực 22/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3193/KH-UBND

Kon Tum, ngày 22 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VỀ MA TÚY TẠI CÁC ĐỊA BÀN, TUYẾN TRỌNG ĐIỂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 5026/QĐ-BCA-C04 ngày 05 tháng 7 năm 2022 của Bộ Công an về phê duyệt Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Đánh giá đúng thực trạng tình hình tội phạm về ma túy tại các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp; nâng cao hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, bóc gỡ triệt để các ổ, nhóm, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tại các địa bàn trọng điểm phức tạp, nhất là các đường dây tội phạm ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia.

- Tập trung phòng ngừa, ngăn chặn không để hình thành các địa bàn, tuyến trọng điểm phức tạp về ma túy; không để tái hình thành các địa bàn, tuyến trọng điểm phức tạp về ma túy đã được triệt phá.

- Thực hiện tốt công tác quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai; giải quyết triệt để tình hình phức tạp về ma túy tại địa bàn giáp ranh giữa các địa phương.

- Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, kiểm soát và nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm ma túy theo tiêu chí “giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại” về ma túy trên địa bàn.

- Nâng cao trách nhiệm, năng lực tổ chức chỉ đạo điều hành của người đứng đầu, chỉ huy các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống ma túy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp và triển khai các biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Nâng cao năng lực, hiệu quả các lực lượng chuyên trách trong công tác đấu tranh với tội phạm tại các địa bàn, tuyến trọng điểm.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục và vận động quần chúng tham gia tố giác tội phạm và tệ nạn về ma túy. Tổ chức rà soát, thống kê số địa bàn, tuyến trọng điểm, phức tạp về ma túy trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đánh giá đúng thực trạng để đề xuất các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa đảm bảo hiệu quả, kịp thời.

- Tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; triệt phá, bóc gỡ triệt để các đường dây tội phạm về ma túy trên các địa bàn, tuyến trọng điểm; quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, không để tội phạm lợi dụng mua bán, tổ chức, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.

- Số vụ tội phạm về ma túy được phát hiện, bắt giữ hàng năm tăng 5% so với năm trước; trên 90% số vụ án ma túy được giải quyết xét xử; 100% các vụ việc có thông tin về vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh được xác minh làm rõ; 80% các “điểm nóng” về ma túy được đấu tranh, triệt xóa.

- Kiểm soát chặt chẽ 100% các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất ma túy; không để xảy ra tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy.

II. PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

- Tập trung triển khai, thực hiện việc đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Từ nay đến năm 2025.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu, nội dung Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát ma túy; Kế hoạch số 120- KH/TU ngày 20 tháng 12 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 402/KH-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW; Kế hoạch số 3959/KH-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025; gắn kết, lồng ghép nội dung chương trình phòng, chống ma túy với phòng, chống tội phạm và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác trên địa bàn.

- Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến toàn thể Nhân dân bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội; nhất là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và trong công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm ma túy. Thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin cho người dân về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp cũng như phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy; tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao tại các địa bàn trọng điểm. Kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

- Triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, quản lý chặt địa bàn, đối tượng trọng điểm về tội phạm, tệ nạn ma túy; tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn quản lý như: Nhà hàng, quán bar, karaoke, vũ trường... nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý các đối tượng lợi dụng hoạt động vận chuyển, mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng liên quan tổ chức rà soát, thống kê, phân loại và đánh giá chính xác địa bàn, tuyến trọng điểm phức tạp về ma túy nhằm kịp thời đề xuất các phương án, biện pháp và đối sách phòng ngừa, đấu tranh phù hợp với các loại tội phạm liên quan tại các địa bàn, tuyến trọng điểm, phức tạp về ma túy.

- Củng cố, kiện toàn các mô hình, tổ chức tự quản ở cơ sở, các thôn, làng, khu dân cư, lực lượng làm công tác bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn, lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức, có uy tín và có khả năng, điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn. Xây dựng, phát triển lực lượng “xung kích” trong công tác tuyên truyền, vận động và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy ở khu dân cư, như: “Tổ đoàn kết”, “Khu phố tự quản”, “Tổ An ninh nhân dân”...

- Định kỳ, tổ chức sơ kết, tổng kết các chương trình, kế hoạch nhằm đánh giá kết quả thực hiện và kịp thời phát hiện, khắc phục các sơ hở, thiếu sót để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm về ma túy trên địa bàn.

2. Công an tỉnh:

- Tăng cường công tác vận động quần chúng, tuyên truyền pháp luật, vai trò trách nhiệm của công dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống ma túy; tham mưu, đề xuất các giải pháp xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, các tổ chức quần chúng, các mô hình phòng, chống ma túy ở các địa bàn, tuyến trọng điểm.

[...]