Kế hoạch 3219/KH-UBND năm 2023 thực hiện công tác Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Số hiệu | 3219/KH-UBND |
Ngày ban hành | 25/09/2023 |
Ngày có hiệu lực | 25/09/2023 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Kon Tum |
Người ký | Lê Ngọc Tuấn |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3219/KH-UBND |
Kon Tum, ngày 25 tháng 9 năm 2023 |
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 5083/QĐ-BCA-C04 ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Bộ Công an về phê duyệt Dự án “Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Mục tiêu chung:
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế song phương, đa phương của Việt Nam về phòng, chống ma túy, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như trên địa bàn tỉnh; duy trì, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh giáp biên của Lào, Campuchia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Đánh giá thực trạng công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy giữa các lực lượng chức năng của tỉnh với các tỉnh của Lào, Campuchia; nhất là quan hệ phối hợp giữa các tỉnh giáp biên trong việc thực hiện các Hiệp định, cam kết và nghĩa vụ quốc tế trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
- Tăng cường hợp tác đấu tranh tội phạm ma túy xuyên quốc gia, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tỉnh của Lào, Campuchia nhằm chia sẻ thông tin, phối hợp đấu tranh, hợp tác xác lập các chuyên án chung để phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây ma túy quốc tế; bắt giữ, xử lý các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, bóc gỡ tận gốc các đường dây ma túy liên vận quốc tế, góp phần ngăn chặn ma túy từ nước ngoài thẩm lậu vào địa bàn.
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý về hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy; phối hợp xây dựng mới, bổ sung Biên bản ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác về phòng, chống ma túy với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua.
II. NỘI DUNG CÔNG TÁC TRỌNG TÂM
1. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy:
- Xác định trách nhiệm người đứng đầu chính quyền và Công an các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống ma túy và để xảy ra tình hình tội phạm ma túy xuyên quốc gia diễn biến phức tạp trên địa bàn. Xác định công tác hợp tác quốc tế là một trong các biện pháp công tác quan trọng của các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy.
- Nâng cao năng lực, nhận thức của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, như: bồi dưỡng nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy tại các địa bàn giáp biên; lồng ghép nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt là các địa bàn giáp biên.
2. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy:
- Phối hợp nghiên cứu, rà soát các văn bản quốc tế, công ước, hiệp định, thỏa thuận có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và ma túy do Bộ Công an chủ trì soạn thảo để tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy áp dụng trong thực tiễn và tránh để tội phạm ma túy lợi dụng sự khác biệt giữa các quy định của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế để thực hiện hành vi phạm tội về ma túy.
- Rà soát các Biên bản ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác về đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy với các tỉnh giáp biên của Lào, Campuchia… đề xuất hoàn thiện, bổ sung.
3. Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy:
- Xây dựng cơ chế, quy chế hợp tác, trao đổi, họp bàn các vấn đề liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia, thông tin các đối tượng truy nã, đối tượng phạm tội về ma túy, thiết lập đường dây nóng trao đổi thông tin với lực lượng chức năng các tỉnh giáp biên từ cấp tỉnh đến cơ sở.
- Triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác trong phòng ngừa, đấu tranh với các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và tiền chất xuyên quốc gia, ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy vận chuyển từ bên ngoài vào Việt Nam, như: Tổ chức các cuộc giao ban đối biên, các cuộc trao đổi, họp bàn của lực lượng phòng, chống ma túy của tỉnh Kon Tum với các tỉnh giáp biên của Lào, Campuchia; phối hợp với các lực lượng chức năng của các tỉnh giáp biên của Lào, Campuchia phát động các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy; tăng cường công tác nắm tình hình và đấu tranh chuyên án chung đối với các vụ vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới; đấu tranh triệt phá các đường dây ma túy quốc tế, bắt giữ, xử lý các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, bóc gỡ tận gốc các đường dây ma túy liên vận quốc tế; thành lập Văn phòng liên lạc phòng, chống ma tuý qua biên giới (BLO) tại địa phương.
- Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ kế hoạch đoàn ra, đoàn vào và tổ chức các hội nghị hợp tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy… góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ hợp tác, nâng cao hiệu quả công tác trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Bản ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác đã ký kết, làm cơ sở mở rộng hợp tác đối với các lĩnh vực khác nhằm phát huy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn.
4. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy:
- Đánh giá nguồn lực cho hoạt động phòng, chống ma túy tại địa phương; đề xuất biện pháp khắc phục nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống ma túy nói chung và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy nói riêng.
- Đẩy mạnh hợp tác và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy. Nâng cao năng lực về chuyên môn, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
Kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước bảo đảm đã được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, khả năng cân đối của các sở, ban ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn hợp pháp khác. Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.