Kế hoạch 60/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Nam Định ban hành

Số hiệu 60/KH-UBND
Ngày ban hành 10/06/2021
Ngày có hiệu lực 10/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Trần Anh Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/KH-UBND

Nam Định, ngày 10 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC, TỘI PHẠM XUYÊN QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 131/KH-BCA-CSHS, ngày 30/03/2021 của Bộ Công an về “Phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, giai đoạn 2021-2025”. Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định xây dựng kế hoạch thực hiện với những nội dung, như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân trong phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.

- Từng bước kiềm chế, tiến tới làm giảm tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, không để tội phạm hoạt động phức tạp, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức (TPCTC), tội phạm xuyên quốc gia (TPXQG). Nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ; tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh với loại tội phạm này, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Chủ động nắm tình hình, rà soát, phát hiện, lập hồ sơ các băng nhóm có biểu hiện hoạt động phạm tội, áp dụng các biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra khám phá, vô hiệu hóa, làm tan rã. Không để hình thành, tồn tại các băng nhóm tội phạm mà không được phát hiện, triệt phá, nhất là các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí nóng, các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

- Phấn đấu mỗi năm số vụ phạm pháp hình sự và số vụ phạm tội do các băng nhóm gây ra giảm ít nhất 5%; nâng cao tỷ lệ số vụ phạm tội do đơn vị, địa phương chủ động phát hiện, xử lý.

- Tất các các băng nhóm TPCTC, TPXQG khi phát hiện đều phải lập, đăng ký hồ sơ nghiệp vụ để quản lý theo quy định. Nâng cao tỷ lệ điều tra, triệt phá, vô hiệu hoá, làm tan rã các băng nhóm tội phạm thuộc diện đã được rà soát, lên danh sách tăng 20% đến 30% so với giai đoạn trước. Đảm bảo tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án do các băng nhóm gây ra đạt từ 75% trở lên, các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do băng nhóm gây ra đạt từ 90% trở lên.

- Chủ động phát hiện và ngăn chặn từ xa sự xâm nhập của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia về địa bàn tỉnh hoạt động phạm tội, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, khủng bố, rửa tiền...

2. Yêu cầu

- Công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp và sự phối hợp, tích cực tham gia của các cơ quan, ban, ngành và quần chúng nhân dân; trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai, chỉ đạo thực hiện công tác này.

- Quá trình thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tuân thủ các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Nội dung

- Các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương tham mưu cấp ủy triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội, các Chương trình của Chính phủ về phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống TPCTC, TPXQG nói riêng. Xác định công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài cùng với việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

- Xác định trách nhiệm của từng ngành, từng cấp; gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về tình hình an ninh trật tự tại địa phương, đơn vị được giao phụ trách, nhất là công tác phòng chống TPCTC, TPXQG. Đối với lực lượng Công an nhân dân, nơi nào còn để các băng nhóm tội phạm hoạt động phức tạp, gây dư luận xấu thì lực lượng Công an ở nơi đó không hoàn thành nhiệm vụ. Xử lý kịp thời, nghiêm minh đảng viên vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm theo Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa TPCTC, TPXQG; phát huy vai trò các tổ chức chính trị xã hội trong bảo đảm an ninh, trật tự, phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống TPCTC, TPXQG; rà soát, củng cố các mô hình phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm ở cơ sở; tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn pháp luật về việc xây dựng mô hình quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tội phạm.

- Tăng cường công tác nắm tình hình, đẩy mạnh tấn công trấn áp, điều tra, đấu tranh quyết liệt các băng nhóm TPCTC, TPXQG liên quan đến “tín dụng đen”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm giết người, trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật tài sản, tội phạm mua bán người, đưa người ra nước ngoài trái phép, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ gây án; tội phạm về ma túy, kinh tế, tham nhũng, môi trường; phối hợp thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ tội phạm.

- Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm: đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách; mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.

2. Nhiệm vụ, biện pháp thực hiện

2.1 Công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp

- Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm; có giải pháp, chính sách hỗ trợ công tác phòng ngừa, đấu tranh với TPCTC, TPXQG. Thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá tình hình, giám sát các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia từ cấp cơ sở.

- Nâng cao mối quan hệ phối hợp liên ngành trong phòng, chống TPCTC, TPXQG. Thường xuyên trao đổi thông tin tội phạm và phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm để có đối sách kịp thời, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống.

[...]